Hội thảo “Phương pháp luận và những hướng đi mới trong kinh tế học”
15:27:00 23/11/2017
Vào ngày 22/11/2017 vừa qua, Hội thảo “Phương pháp luận trong khoa học xã hội và những hướng đi mới trong Kinh tế học” do Chương trình Nghiên cứu Kinh tế học mở rộng thuộc VEPR (Broaden Economics) phối hợp cùng Viện John Von Neumann tổ chức đã diễn ra thành công với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên cao học đến từ các Viện, trường Đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
GS. TS Hồ Tú Bảo – Viện trưởng, Viện John Von Neumann phát biểu khai mạc
Mở đầu chương trình trình, Ông Trần Mạnh Cường – Phó Giám đốc, Broaden Economics giới thiệu về Hội thảo và các diễn giả, khách mời của Hội thảo. Ngay sau phần giới thiệu, GS. TS Hồ Tú Bảo – Viện trưởng, Viện John Von Neumann đã thay mặt Ban Tổ chức phát biểu khai mạc Hội thảo.
TS Nguyễn Đức Thành trình bày về Lược sử tư tưởng kinh tế
Đi vào nội dung chính, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã trình bày sơ lược về quá trình phát triển của các trường phái Kinh tế học. Bắt đầu từ các trường phái trọng nông, trọng thương, kinh tế học cổ điển … đến các trường phái phát triển sau cuộc Đại khủng hoảng Kinh tế năm 1929 như trường phái Keynes. TS Thành cũng tóm tắt đặc điểm chính của các xu hướng mới phát triển hiện nay như kinh tế học Keynes mới (Joseph Stiglitz…), mô hình chu kỳ kinh doanh thực, kinh tế học thể chế mới, kinh tế học thực nghiệm (Daniel Kahneman …) và kinh tế học hành vi (Richard Thaler …).
GS Phạm Hi Đức trình bày tham luận về các mô hình toán kinh tế
Sau phần trình bày của TS. Thành là tham luận của GS. Phạm Hi Đức, chuyên gia nghiên cứu về tài chính định lượng tại ECE Paris Graduate School of Engineering. Trong bài trình bày của mình, GS Đức giới thiệu về xu hướng phát triển từ mô hình tĩnh không có biến thời gian như IS – LM, đến mô hình cân bằng động ngẫu nhiên tổng quát (dynamic stochastic general equilibrium – DSGE). Tuy nhiên, các mô hình này khái quát hoá quá mức, nên độ ổn định của trạng thái cân bằng thật ra không tồn tại, đường cung – cầu là ảo, chính xác hơn, đây chỉ là hội tụ của tập hợp các điểm thể hiện giá trị thực. Xu hướng mới nhất là kinh tế học hành vi với nhận định các biến số kinh tế không vận động theo xu thế hoàn toàn ngẫu nhiên, mà phụ thuộc vào hành vi của các tác nhân kinh tế như kỳ vọng của họ, tính sợ rủi ro, tính bầy đàn trong ra quyết định…
Mục đích của các mô hình hiện đại không phải là mô tả độ lớn, mà hướng đến mô tả biến động và dự báo. Ví dụ như ma trận chuyển đổi Markov ứng dụng trong phân tích sự thay đổi trong chất lượng tín dụng. Các mô hình hiện đại này phù hợp để mô tả thị trường Việt Nam hơn, vì thị trường Việt Nam không phải là thị trường tự do cạnh tranh hoàn hảo và thường xuyên biến động.
GS Phạm Hi Đức giới thiệu mô hình đa tác nhân
Sau đó, GS Đức tập trung giới thiệu mô hình đa tác nhân (agent – based model), trong đó, các tác nhân kinh tế không đồng nhất nên không thể khái quát hoá thành một tác nhân đại diện cho tổng thể, mà mỗi người trong số họ ra quyết định trên khuôn mẫu tối ưu riêng, dựa trên thông tin tiên nghiệm riêng để dự đoán những thông tin chưa biết, sau đó kiểm nghiệm và học hỏi thích ứng bằng cách quan sát hành vi của tác nhân khác. Đây là mô hình không giả định phân phối Gauss, mà sử dụng bộ lọc hệ thống phần tử tương tác (interactive particle system filter). Mô hình này được ứng dụng để nghiên cứu về bitcoin, ngân hàng trong bóng tối (shadow banking), tác động của thị trường phái sinh. So với mô hình cũ, mô hình này mô tả tốt hơn các cú sốc kinh tế như thời điểm bùng nổ hay suy sụp, tạo nền tảng thông tin tốt hơn cho quyết định đầu cơ.
Dịch giả Nguyễn Đôn Phước lắng nghe bài trình bày
GS Đức cũng chỉ ra ba lĩnh vực nghiên cứu sẽ phát triển trong tương lai gồm: mô hình nhất quán về trữ lượng và lưu lượng (stock – flow consistent model), nguyên lý đột sinh (emergence) và mô hình học hỏi củng cố (reinforced learning). Cuối cùng, GS Đức chốt lại ba ý chính: hành trình quan trọng hơn điểm đến (biến động trong quá trình quan trọng hơn trạng thái ở thời điểm cuối cùng), giá trị chịu rủi ro (value at risk) quan trọng hơn giá trị trung bình, và tầm quan trọng của điểm tham chiếu: liệu phần đuôi của phân phối, phần không quan trọng có là yếu tố quyết định đến kết quả (“the tail wags the dog”).
Hội thảo kết thúc với phần Thảo luận – Hỏi đáp sôi nổi của tất cả các bạn tham dự.