Khóa học mùa hè VEPR-FNF 2017 về “Những nền tảng của nền kinh tế thị trường” dành cho sinh viên và nhà báo trẻ miền Nam
15:18:00 02/09/2017
Trong 4 ngày, từ 29/8 – 01/9/2017, tại Bến Tre Riverside Resort, số 708 Nguyễn Văn Tư, thành phố Bến Tre, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách phối hợp cùng Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tổ chức khóa học mùa hè 2017 “Những nền tảng của kinh tế thị trường” dành cho sinh viên và nhà báo trẻ khu vực miền Nam.
Khóa học năm nay là nơi quy tụ của các bạn nhà báo trẻ và sinh viên đến từ các cơ quan truyền thông và các trường đại học khác nhau trên cả nước. Tiếp nối sự thành công của các khóa học trước, khóa học lần này tiếp tục hướng đến những sinh viên có niềm yêu thích và có thiên hướng phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực báo chí và truyền thông và những nhà báo trẻ tài năng, có kinh nghiệm, hoài bão và đầy nhiệt huyết.
Khóa học hướng tới việc cung cấp cho học viên những nguyên lý cốt lõi của nền kinh tế thị trường, qua đó thấu hiểu những giá trị xã hội – đạo đức – kinh tế trong đời sống hiện đại. Trên cơ sở đó, khóa học sẽ giúp bồi đắp cho học viên một nền tảng kiến thức vững chắc hơn, định hướng tốt hơn cho quá trình phát triển tư tưởng cũng như sự nghiệp trong tương lai.
Trong suốt khóa học, các bạn học viên đã được cung cấp rất nhiều kiến thức bổ ích về lịch sử kinh tế, nền tảng cốt lõi và sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Các bạn được TS. Nguyễn Đức Thành và chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh khuyến khích tư duy các vấn đề kinh tế - xã hội một cách khoa học, khách quan, từ đó có được cái nhìn đúng đắn để đánh giá và vận dụng các kiến thức được học vào thực tiễn cuộc sống.
Thêm vào đó, thông qua bài giảng của ThS. Nguyễn Khắc Giang, các học viên được trao đổi về các kỹ năng truyền thông, cách tiếp cận và xây dựng bài báo một cách hợp lý để có khả năng truyền tải thông tin nhanh chóng, chính xác tới bạn đọc. Ngoài ra, với khách mời là nhạc sỹ Dương Thụ, các học viên được hiểu thêm về các giá trị phổ quát, về văn hóa, rằng văn hóa là cách ứng xử của con người với thế giới xung quanh chứ không phải là tri thức về nó.
Trong ngày học cuối cùng, các học viên chia thành 5 nhóm thảo luận và trình bày những vấn đề kinh tế - xã hội bao gồm (1) Nên hay không nên cho phép nhân bản vô tính trong y học phục vụ mục đích chữa bệnh (2) Hợp pháp hóa ngành sản xuất đồ chơi tình dục để giảm thiếu tình trạng ấu dâm (3) Grab và Uber trong nền kinh tế chia sẻ (4) Nên hay không nên cho phép tư nhân tham gia làm báo (5) Sở hữu tư nhân về đất đai.
Thông qua phần trình bày và phản biện lẫn nhau của các nhóm, với sự giúp đỡ từ các giảng viên, các bạn sinh viên đã thể hiện phần trình bày thông minh và sáng tạo. Các vấn đề kinh tế - xã hội được lý giải một cách khoa học và có hệ thống.