Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Chủ Nhật, 22/12/2024 06:15

Hội thảo Công bố Báo cáo Kinh tế Trung Quốc 6 tháng đầu năm và triển vọng 2018: Căng thẳng thương mại và những cải cách căn bản

11:12:00 24/08/2018

Sáng ngày 24/8/2018, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) và Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Chiến lược Quốc tế thuộc IWEP (CISS) đã phối hợp tổ chức Hội thảo Công bố Báo cáo Kinh tế Trung Quốc 6 tháng đầu năm và triển vọng 2018: Căng thẳng thương mại và những cải cách căn bản. Buổi Hội thảo đã diễn ra thành công với sự tham dự của nhiều chuyên gia đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế Trung Quốc.

 

Tải tài liệu hội thảo TẠI ĐÂY

Tại buổi hội thảo, TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc VCES, đã trình bày bản Báo cáo Kinh tế Trung Quốc 6 tháng đầu năm và triển vọng 2018. Bản báo cáo khai thác sâu những vấn đề xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những cải cách căn bản của Trung Quốc thông qua những biến số vĩ mô, từ đó đưa ra các hàm ý chính sách đối với Việt Nam.

Mở đầu bài báo cáo, TS. Phạm Sỹ Thành đã cung cấp bức tranh tổng quát về Kinh tế Vĩ mô của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong Quý I và II vẫn giữ ở mức ổn định lần lượt là 6.8% và 6.7%. Hoạt động sản xuất công nghiệp chứng kiến sự tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn tạo ra mức lợi nhuận cao, đạt 17.2%. Trong đó, nhóm Doanh nghiệp Nhà nước có tốc độ tăng trưởng chậm nhất nhưng lại có mức gia tăng lợi nhuận cao nhất. Đáng chú ý, nửa đầu năm 2018, Trung Quốc vẫn đạt mức thặng dư thương mại là 140 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Lượng hàng hóa nhập khẩu đã tăng 19.9%, cho thấy xu hướng tiêu dùng nhiều hơn của người dân Trung Quốc. Xu hướng này sẽ tạo ra những tác động tích cực đối với nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, những căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã cho thấy những tác động nhất định khi tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ nửa đầu năm 2018 chỉ đạt mức 5.4%, thấp hơn nhiều so với con số 19.3% của cùng kỳ năm 2017. Cũng trong thời gian này, đồng Nhân dân tệ bắt đầu một chu kỳ giảm giá mới. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã yêu cầu tăng mức tỉ lệ dự trự ngoại hội lên 20%, qua đó làm gia tăng chi phí quy đổi USD nhằm chặn dòng tiền này khỏi chảy ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và vấn đề địa chính trị đang có sự thay đổi rõ rệt, Trung Quốc đã và đang có những bước thay đổi căn bản trong nội tại nền kinh tế quốc gia. Được thể hiện tại Đại hội 19, tư tưởng của Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới đã được đưa vào Điều lệ Đảng. Theo đó, Đảng chiếm vị trí tuyệt đối về chỉ đạo kinh tế. Vào tháng 8/2017 đã có hơn 30 công ty nhà nước như Sinopec, ICBC, Haitong Securities, CRG, CIC, … được yêu cầu sửa lại điều lệ công ty, phải đưa vai trò của tổ chức Đảng vào vị trí hạt nhân của tập đoàn, qua đó tăng cường vai trò của Đảng trong khu vực doanh nghiệp nhà nước và trong cải cách của khu vực này.

Thông qua những sự thay đổi về vai trò của Đảng trong hoạt động kinh té, khối DNNN của Trung Quốc đã có nhiều cải cách căn bản như việc bắt đầu cho phép DNNN phá sản (từ cưới 2015), sự xuất hiện của làn sáng sáp nhật để hình thành các siêu DNNN và thực hiện chế độ sở hữu hỗn hợp với sự chứng khoán hóa các tài sản mà Chính quyền đại diện sở hữu trong doanh nghiệp. Bên cạnh quá trình cải cách hoạt động DNNN, Trung Quốc tiến hành các biện pháp cải cách nhằm kiểm soát rủi ro trên thị trường tài chính khi mà mức vay nợ tín dụng trong khu vực hộ gia đình chạm ngưỡng 41,000 tỷ USD, tương đương với 60% kết hợp với những khoản nợ xấu còn tồn đọng trong khu vực kinh tế nhà nước, cũng như quá trình xử lý chậm chạp đối với các doanh nghiệp “xác sống”. Và một trong những cải cách nổi bật nhất của Trung Quốc trong giai đoạn này là kế hoạch Sản xuất tại Trung Quốc 2025 với tham vọng vào năm 2049, kỷ niệm 100 thành lập đất nước, Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới về sản xuất công nghiệp và hình thành hệ thống các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới.

Ở cuối bản báo cáo, TS. Thành đã trình bày chi tiết về quá trình leo thang những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Theo TS. Thành, Trung Quốc đang có những toan tính ban đầu, tiến hành lôi kéo đồng minh khi ký kết thỏa thuận thương mại trị giá 20 tỷ Euro với Đức và tiến hành các hoạt động mở cửa thị trường. Một trong những toan tính khác, cõ lẽ là khả thi nhất trong thời điểm này chính là chờ đợi vào kết quả của đợt bâu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11/2018. Tuy nhiên, bản thân Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn để có thể thực hiện những toan tính của mình hoặc những bước leo thang căng thẳng theo kiểu “Trung Quốc” (thông qua các biện pháp trả đũa bằng đánh thuế cao hơn). Có thể kể đến những khó khăn trong tỷ giá và sự suy giảm dự trữ ngoại tế và sự hình thành trật tự thương mại mới do Mỹ, EU và Nhật bản thiết lập mà Trung Quốc sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc ngặt nghèo hơn.

Sau phần phần trình bày hết sức công phu của TS. Phạm Sỹ Thành, các chuyên gia tham dự hội thảo đã có phần tranh luận hết sức sôi nổi. PGS, TS. Nguyễn Đức Thành đã cùng TS. Võ Đại Lược và Trung tá Phạm Việt Hải bàn luận về những kết cục của cuộc chiến thương mại, cũng như những rủi ro trong trung hạn và dài hạn có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng. Kết thúc buổi hội thảo, các chuyên gia đã đi đến đồng thuận rằng còn quá sớm để có thể nói về “kịch bản khủng hoảng” của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và sự chững lại trong tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Trung Quốc nói riêng sẽ tạo ra những đông lực mới và cơ hội mới cho các quốc gia khác.

Một số hình ảnh từ sự kiện:

 

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image