Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Năm, 23/01/2025 12:01

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 20: "Trung Quốc - Hoa Kỳ - EU: Ai sẽ dẫn dắt thương mại toàn cầu?"

13:37:00 30/10/2017

Sáng ngày 28/10/2017, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) đã tổ chức Seminar số 20 với chủ đề “Trung Quốc – Hoa Kỳ – EU: Ai sẽ dẫn dắt thương mại toàn cầu?”. Seminar được tài trợ bởi Viện Friedrich Naumann (FNF) và Công ty CP Sách Omega Việt Nam (Omega Plus).

Tải tài liệu hội thảo TẠI ĐÂY

Seminar đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu kinh tế, chính trị đến từ các viện, các cơ quan quản lý, giới báo chí và giảng viên, sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Toàn cảnh hội trường

Buổi Seminar có sự tham gia của ba diễn giả: TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) và  TS Trần Toàn Thắng – Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Từ trái qua phải: TS. Phạm Sỹ Thành, TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Trần Toàn Thắng

Mở đầu, TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), TS. Phạm Hùng Tiến – Đại diện Viện Friedrich Naumann vì Tự do (FNF) và Ông Vũ Trọng Đại – Giám đốc Công ty CP SÁch Omega Việt Nam phát biểu khai mạc Seminar. Năm 2016, Trung Quốc, EU và Hoa Kỳ lần lượt chia nhau các vị trí dẫn đầu về quy mô thương mại toàn cầu. Quy mô thương mại của ba chủ thể này đủ để tạo cho mỗi nước/khu vực có đủ năng lực để dẫn dắt đường hướng thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong việc hình thành các mô hình về Hiệp định tự do hoá thương mại (FTA) kiểu mới. Thế giới đang chứng kiến không ít thay đổi trong chính sách thương mại của các nền kinh tế đầu tàu, và buổi Seminar tập trung thảo luận về ảnh hưởng của những thay đổi đó đến tương lai thương mại toàn cầu. 

TS. Nguyễn Đức Thành phát biểu khai mạc Seminar
TS. Phạm Hùng Tiến phát biểu khai mạc Seminar
Ông Vũ Trọng Đại phát biểu khai mạc Seminar

Sau khi chống chọi với khủng hoảng 2010, nền kinh tế EU đang dần hồi phục ổn định. Khu vực này hướng đến xây dựng những Hiệp định Thương mại tự do (FTA) toàn diện, chất lượng cao mà FTA với Việt Nam là một ví dụ. TS Trần Toàn Thắng – Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giúp người tham dự hiểu rõ hơn về Hiệp định này bằng bản báo cáo chi tiết, tập trung vào các vấn đề (1) TPP sụp đổ và những kịch bản hậu TPP; (2) Các FTA của Việt Nam; (3) RCEP và triển vọng có thể có cho Việt Nam; (4) Việt Nam – EU FTA và nhu cầu đổi mới thể chế; (5) Phụ thuộc Việt Nam – Trung Quốc; (6) Quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Cuối cùng, TS. Trần Toàn Thắng đưa ra kết luận chung và một số khuyến nghị cho các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam.

TS. Trần Toàn Thắng trình bày về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU

Tiếp đó, TS. Phạm Sỹ Thành  – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) đã trả lời câu hỏi “Tự do hóa thương mại kiểu Trung Quốc – Liệu Trung Quốc có tạo ra luật chơi mới?”. Sau khi Hoa Kỳ đảo chiều quan điểm thương mại, Trung Quốc nổi lên như một quốc gia thúc đẩy tự do hoá thương mại. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh thúc đẩy tự do hoá thương mại toàn cầu theo kiểu Trung Quốc, hướng đến ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do châu Á – Thái Bình dương (APFTA). Các đặc điểm chính của tự do hoá thương mại do Trung Quốc thúc đẩy bao gồm (i) Chú trọng hạ thấp hàng rào thuế quan; (ii) Thúc đẩy tự do hoá thương mại nhưng chậm mở cửa cho đầu tư; (iii) Không có nhiều điểm vượt trội về nội dung thoả thuận.

TS. Phạm Sỹ Thành chia sẻ về Tự do hoá thương mại kiểu Trung Quốc

Diễn giả thứ ba là TS. Nguyễn Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) đã không thể tới tham dự buổi Seminar vì lý do bất khả kháng. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Thành đã thay mặt diễn giả trình bày những nội dung chính của bản báo cáo cuối cùng về “Chuyển dịch chính sách thương mại của Mỹ và hàm ý cho Việt Nam”. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đã rời khỏi các FTA quan trọng của chính phủ tiền nhiệm như Hiệp định đối tác Thái Bình dương, chủ trương đàm phán lại các thoả thuận thương mại đã có. Sự chuyển dịch trong chính sách và những hành động thực tế của Mỹ thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và làm dấy lên phản ứng đa chiều từ các quốc gia khác.

TS. Nguyễn Đức Thành và khái quát về chính sách thương mại mới của Mỹ

Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với sự tham gia phản biện, trao đổi của nhiều chuyên gia cao cấp như TS. Lê Đăng Doanh, TS. Lưu Bích Hồ, PGS.TS. Lê Cao Đoàn, PGS. TS. Phạm Quốc Trung, bà Bùi Kim Thùy, Ông Phạm Tiến… Các ý kiến tập trung vào sự trỗi dậy của Trung Quốc, ý nghĩa của việc Trung Quốc đưa sáng kiến “Vành đai và Con đường” vào điều lệ Đảng trong đại hội 19 vừa qua, xu thế đang lên của chủ nghĩa bảo hộ và tương lai của chủ nghĩa tự do thương mại trong 5-10 năm tới. Các chuyên gia nhất trí cao về tính cấp thiết của việc nghiên cứu chính sách để tìm ra các giải pháp cho nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh các ông lớn của thương mại toàn cầu đang có những đổi thay mạnh mẽ, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc.

TS. Lê Đăng Doanh
Bà Bùi Kim Thuỳ
TS. Lưu Bích Hồ
PGS.TS. Phạm Quốc Trung
Ông Phạm Tiến

Ngoài ra, Seminar cũng nhận được những câu hỏi thú vị của các bạn trẻ, các bạn sinh viên quan tâm tới biến chuyển trong tình hình thương mại toàn cầu.

Một số hình ảnh khác của seminar:

 
 
 
 

Thanh Tú

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image