Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 22 với chủ đề “Điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội XIX”
11:17:00 07/03/2018
Sáng ngày 06/03/2018, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) phối hợp cùng Viện Friedrich Naumann vì Tự do (FNF) đã tổ chức Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 22 với chủ đề “Điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội XIX”.
Mở đầu chương trình, TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và TS. Phạm Hùng Tiến – đại diện Viện Friedrich Naumann (FNF) đã có phần phát biểu khai mạc.
Sau phần khai mạc là bài tham luận của PGS.TS. Trần Thọ Quang với chủ đề “Một số điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội XIX, những tác động và kiến nghị cho Việt Nam”
Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc là sự kiện chính trị quan trọng của Trung Quốc, được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và tổ chức thành công, có sức hiệu triệu và ảnh hưởng lâu dài tới Trung Quốc, có khả năng ảnh hưởng sâu rộng tới tình hình khu vực và thế giới. Đại hội có thể được xem là Tuyên ngôn chính trị và Cương lĩnh hành động, không chỉ đề ra nhiệm vụ trong một kỳ Đại hội mà mang tầm nhìn chiến lược dài hạn cho một giai đoạn phát triển của Trung Quốc (30 năm). Đại hội XIX đánh dấu Trung Quốc đã chính thức bước vào giai đoạn mới của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc – “thời đại Tập Cận Bình”
Tại Đại hội XIX, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục khẳng định kiên trì thực hiện chính sách “ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc trong giai đoạn mới”. Các chủ trương, đường lối về đối nội và đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội XIX sẽ bám sát Tư tưởng Tập Cận Bình, vừa có định hướng chiến lược dài hạn đến năm 2050, vừa có những bước đi cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu phát triển hai giai đoạn. Tuy nhiên, con đường để di đến “mục tiêu 100 năm” thứ hai và Giấc mơ phục hưng dân tộc của Trung Quốc còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức khó lường cả từ bên trong và bên ngoài, như: (i) Tiềm ẩn rủi ro về bất ổn chính trị, kinh tế – xã hội, (ii) Sức mạnh mềm và tầm ảnh hưởng quốc tế còn hạn chế, (iii) Môi trường an ninh đối ngoại của Trung Quốc ngày càng phức tạp.
Với việc xác lập đường lối phát triển và đối ngoại mới, Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tác động lâu dài và sâu xa tới cục diện khu vực và thế giới trên các mặt chính trị, an ninh, kinh tế, trong các cấu trúc khu vực và toàn cầu. Việt Nam, ngoài việc hết sức tranh thủ đế thúc đẩy quan hệ Việt – Trung phát triển lành mạnh, ổn định, giúp ta có thêm điều kiện để phát triển đất nước, cũng cần ứng xử với một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ, quyết đoán, tham vọng hơn.
Sau phần trình bày của PGS.TS. Trần Thọ Quang, GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, PGS.TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Ông Đinh Hồng Vận, Ông Lê Cao Đoàn, TS. Phạm Sỹ Thành lần lượt bình luận và đưa ra các góp ý chuyên sâu. Cũng trong phần này, các nhà báo, phóng viên, các bạn sinh viên có gửi tới các chuyên gia nhiều câu hỏi liên quan.