Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Năm, 26/12/2024 09:56

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 18

17:24:00 02/04/2014

Chiều ngày 28/03/2014, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR ) đã tổ chức Seminar nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 18 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam từ năm 1991 đến nay – Chất lượng, hiệu quả và tính bền vững”.

 Diễn giả là Vũ Minh Long, nghiên cứu viên tại VEPR. Vũ Minh Long từng là thủ khoa đầu vào điểm với số điểm tuyệt đối của trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN năm 2006. Sau khi học 1 năm tại đây, Long nhận được học bổng của Bộ Giáo dục Đào tạo và đi du học chuyên ngành Tài chính tại Đại học Latrobe, Australia. Kết thúc 3 năm học chương trình cử nhân, Long tiếp tục học thêm một năm chương trình cử nhân danh dự, cũng chuyên ngành Tài chính.

Nghiên cứu viên Vũ Minh Long đang trình bày tham luận

Buổi Seminar có sự góp mặt của các chuyên gia cao cấp của VEPR và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), cùng các giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên đến từ các viện, trung tâm nghiên cứu và các trường đại học khác nhau trên địa bàn Hà Nội.

Sau hơn hai thập niên thực hiện cải cách kinh tế theo định hướng Đổi mới từ năm 1989, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng về tăng trưởng và giảm đói nghèo. GDP trung bình đầu người đã tăng lên trên 1.000 USD từ năm 2008, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Cùng với đó, vấn đề phát triển nền kinh tế tri thức cũng nhận được rất nhiều quan tâm từ Chính phủ, và trong hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế đang phải đối diện với rất nhiều thách thức tái cơ cấu kinh tế khi tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm và các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng dần suy kiệt. Đây là lúc chúng ta cần nhìn lại một chặng đường phát triển kinh tế đã qua, phân tích cả những thành tựu đạt được và những khó khăn tiềm ẩn trong từng khía cạnh vĩ mô của nền kinh tế, phân tích nguyên nhân và chỉ ra được những vấn đề cần giải quyết trong tương lai gần giúp khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế. Trong nỗ lực đưa ra một cái nhìn tổng quan nhất có thể về nền kinh tế Việt Nam, bài nghiên cứu sẽ lần lượt phân tích tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, đồng thời bóc tách các thành phần của tổng cung và tổng cầu, các cân đối vĩ mô quan trọng cũng như các thị trường tài sản của nền kinh tế, chú trọng vào chất lượng, hiệu quả và tính bền vững đối với từng khía cạnh cụ thể.

Các chuyên gia đến từ VASS đóng góp các thảo luận xoay quanh sự hiểu lầm giữa kinh tế tri thức và sự xuất hiện của các nhà máy lắp ráp công nghệ cao của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhấn mạnh hàm lượng tri thức đóng góp cũng như thành quả nhận được của lao động Việt Nam trong chuỗi cung đó là rất thấp, trong khi các cấu phần về nghiên cứu, phát triển đặt ở nước ngoài mới là phần tri thức mà nền kinh tế Việt Nam đang rất cần. Các sinh viên, nghiên cứu viên tại buổi seminar mở ra các câu hỏi xoay quanh tính bền vững của mô hình tăng trưởng và hiệu quả của đầu tư công, đầu tư nước ngoài...Diễn giả Vũ Minh Long lần lượt trả lời các thắc mắc và mở ra các hướng nghiên cứu để các bạn sinh viên có thể theo đuổi trong thời gian tới.

Download tài liệu seminar tại ĐÂY

Một số hình ảnh của seminar

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image