Diễn giả là Bùi Thị Nhâm, sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong khoảng thời gian là sinh viên, Nhâm đã có định hướng nghiên cứu về các lĩnh vực tài chính và kinh tế vĩ mô. Bùi Thị Nhâm đạt giải 3 nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN với đề tài: “Ước lượng tỷ suất sinh lời cho giáo dục Việt Nam giai đoạn 2002 – 2010” năm 2011 và đề tài “Đánh giá hiệu quả của các tổ chức vi mô tại Việt Nam trong công tác xoá đói giảm nghèo” năm 2012.
Bùi Thị Nhâm đang trình bày bài nghiên cứu
Buổi Seminar có sự góp mặt của các chuyên gia cao cấp của VEPR cùng các giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên đến từ các viện, trung tâm nghiên cứu và các trường đại học khác nhau trên địa bàn Hà Nội.
Theo lý thuyết, vốn đầu trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là nguồn vốn bổ sung quan trọng đối với mục tiêu tăng trưởng của các nước đang phát triển. FDI không chỉ đem đến cho nước bản địa nguồn vốn mà còn đến theo tiến bộ công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Vì lý do này các nhà làm chính sách ở các quốc gia đều đưa ra các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài rất hấp dẫn. Tuy nhiên trong trường hợp Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang lạm dụng ưu đãi đầu tư để thu hút FDI mà không tính đến hiệu quả kinh tế xã hội. Những hiện tượng như ô nhiễm môi trường, chuyển giá, mẫu thuẫn giữa chủ doanh nghiệp và công nhân…trong các doanh nghiệp FDI đang đặt ra câu hỏi về chất lượng và tính hiệu quả của dòng vốn này. Do đó việc ước lượng thực nghiệm tác động của dòng FDI tới các doanh nghiệp để có những những đánh giá khách quan hơn về thực trạng FDI tại Việt Nam là rất cần thiết.
Nghiên cứu này tập trung đánh giá ảnh hưởng của FDI tới hiệu quả sản suất và ảnh hưởng lan toả của FDI thông qua các mối liên kết ngang, xuôi và ngược của FDI tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Đây là khối các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế quốc dân, giải quyết hơn 1 triệu việc làm mỗi năm, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên đây cũng là những đối tượng chịu nhiều bất lợi về về quy mô và kĩ năng quản lý so với các doanh nghiệp lớn.
TS. Nguyễn Đức Thành nhận định đây là một bài nghiên cứu tốt, nhiều công phu, nhiều tiềm năng để khai thác thêm. Vai trò của nguồn vốn FDI đối với nền kinh tế Việt Nam là một chủ đề quan trọng nhưng cũng nhạy cảm, không được mơ hồ. TS. Thành cho rằng cần phải mở rộng thêm các biến giải thích để kiểm soát tốt hơn các biến trong mô hình, như vậy thì các tham số hồi quy sẽ tốt hơn và phân tích kết quả sẽ chính xác hơn. Các bạn sinh viên và các nghiên cứu viên khác cũng đặt nhiều câu hỏi xung quanh phương pháp và xử lý số liệu giữa nhiều bộ dữ liệu khác nhau. Đây là một bài nghiên cứu tốt để các bạn tham khảo và chọn các hướng nghiên cứu mới.
Download tài liệu tại ĐÂY
|