Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:42

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 23

11:29:00 28/10/2014

Chiều ngày 24/10/2014, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR ) đã tổ chức Seminar nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 23 với chủ đề Sự lan tỏa và biến động của mức sinh lời tại các nước Đông Nam Á trước, trong và sau thời kỳ khủng hoảng”.

Download tài liệu tại ĐÂY

Diễn giả là ThS.Nguyễn Minh Thủy, tốt nghiệp cử nhân tại trường Đại học Warwick, chuyên ngành Kinh tế học và thạc sỹ tại trường CASS chuyên ngành Quản lý Đầu tư. Hiện tại, ThS. Nguyễn Minh Thủy đang công tác tại khoa Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. 

Tham dự seminar có sự góp mặt của các chuyên gia kinh tế, các nghiên cứu viên, giảng viên, học viên và sinh viên đến từ ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, ĐHKTQD, ĐH Ngoại thương, HV Tài chính, HV Ngân hàng...   

Thị trường ngân hàng và tài chính trong những năm gần đây ngày một liên kết với nhau chặt chẽ hơn, các sản phẩm của hai thị trường này có rất nhiều điểm tương đồng không chỉ ở mức khu vực mà còn ở trên phạm vi toàn cầu. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến thị trường tài chính chao đảo và trải qua nhiều biến động mạnh. Những biến động này không chỉ xảy ra ở riêng nước Mỹ mà còn lan ra rộng các nước khác, do vậy, việc ước lượng mức lan tỏa của mức sinh lời và biến động của mức sinh lời tới các nước khác là vô cùng thiết yếu. Do vậy, câu hỏi đặt ra là liệu cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ngân hàng có lan ra thành cuộc khủng hoảng của ngành bảo hiểm? Và liệu điều này có làm cho cuộc khủng hoảng thêm phần tồi tệ hơn?

Bài nghiên cứu sử dụng mô hình M-GARCH với phương trình BEKK cùng với các dữ liệu của từng ngành và các yếu tố rủi ro khác như mức sinh lời của thị trường, tỷ giá và lãi suất 10 năm của TPCP để ước lượng sự phụ thuộc của thị trường ngân hàng và bảo hiểm tại các nước Đông Nam Á từ năm 2007 tới năm 2013. Nghiên cứu đã tìm ra được những bằng chứng cụ thể về sự mất cân bằng, ảnh hưởng một chiều và đa chiều của mức sinh lời tới các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, thị trường tài chính trở nên chặt chẽ hơn sau thời kỳ khủng hoảng, cuộc khủng hoảng đã đẩy nhanh quá trình hòa nhập này. Cuối cùng, Hồng Kong và Singapore là hai thị trường có ảnh hưởng lớn nhất trong khi Thái Lan và Philippines có ảnh hưởng rất nhỏ tới các nền kinh tế khác trong khu vực.

Tại buổi seminar, nhiều ý kiến thảo luận xung quanh những hàm ý từ kết quả nghiên cứu của tác giả, bao gồm cách tiếp cận của tác giả đối với mô hình và các giả định, đâu là kênh truyền dẫn của các ảnh hưởng đan chéo và liên ngành giữa các thị trường tài chính, sự lan toả không đồng đều của mức sinh lời của ngành ngân hàng và bảo hiểm sau khủng hoảng tài chính đã xảy ra với các nước trong phạm vi nghiên cứu có ý nghĩa gì với Việt Nam và nếu hiện tượng đó có xảy ra thì điều đó có hàm ý gì với nhà đầu tư trong nước... TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đánh giá cao công sức của tác giả đã dành cho việc thu thập, xử lý dữ liệu phức tạp, cách xử lý hợp lý, và khuyến khích tác giả tìm câu trả lời cho các phát hiện trong bài nghiên cứu. Diễn giả Nguyễn Minh Thủy đã có cuộc thảo luận cởi mở và những bức ảnh đáng hớ với những người tham dự.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image