Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Năm, 26/12/2024 10:30

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 32

14:41:00 01/11/2015

Chiều ngày 30/10/2015, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 32 với chủ đề “How is financial education in Japan regarded and what kind of policy promoted?”.

Seminar này được VEPR tổ chức định kì, với kỳ vọng sẽ là một diễn đàn học thuật để các nhà nghiên cứu trẻ trình bày các kết quả khoa học của mình. Chúng tôi khuyến khích các phương pháp tiếp cận theo hướng định lượng và mô hình hóa lý thuyết theo tiêu chuẩn của các tạp chí quốc tế. Môi trường trao đổi học thuật cởi mở giữa các chuyên gia nhiều kinh nghiệm với các nhà nghiên cứu trẻ được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng các nghiên cứu và đào tạo lực lượng nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam.

Diễn giả của seminar là TS. Kiyotsugu Yoshihara, học giả trao đổi tại Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. TS. Kiyotsugu Yoshihara từng là thành viên Ban quản trị trong hệ thống ngân hàng của Nhật Bản, nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Kyoto và tham gia công tác giảng dạy  tại Đại học Kinh tế  Osaka. TS. Kiyotsugu Yoshihara là học giả trao đổi tại Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) từ tháng 4 năm 2015.

TS. Kiyotsugu Yoshihara và các thành viên tham gia Seminar số 32

Tham dự Seminar có sự góp mặt của các chuyên gia kinh tế, nghiên cứu viên, giảng viên và sinh viên đến từ các trường đại học. Bài nghiên cứu phân tích công tác giáo dục về quản lý tài chính trong nền giáo dục Nhật Bản trong các cấp học, qua đó đánh giá tác động tới xu hướng tiêu dùng và tiết kiệm trong nền kinh tế Nhật Bản. Tầm quan trọng của công tác giáo dục về quản lý tài chính được đề cập tới dưới đa góc độ, từ góc nhìn vĩ mô của chính phủ tới góc nhìn vi mô của doanh nghiệp.

Bài nghiên cứu thu hút nhiều ý kiến và thảo luận xung quanh mô hình giáo dục quản lý tài chính tại Nhật Bản và Việt Nam. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng đây là mô hình giáo dục có tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam, cần được khuyến khích và hợp tác phát triển với sự tham gia của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Bài nghiên cứu được đánh giá cao bởi các chuyên gia, đồng thời nhận được nhiều ý kiến và gợi ý liên quan đến hướng phát triển tiếp theo. TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng cần áp dụng rộng rãi hơn nữa công tác giáo dục tài chính trong các bậc học tại Việt Nam.

 

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image