Chiều ngày 4/12/2015, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 33 với chủ đề “Ảnh hưởng của nữ giới trong Hội đồng quản trị tới rủi ro của các doanh nghiệp Việt Nam”.
Seminar này được VEPR tổ chức định kì, với kỳ vọng sẽ là một diễn đàn học thuật để các nhà nghiên cứu trẻ trình bày các kết quả khoa học của mình. Chúng tôi khuyến khích các phương pháp tiếp cận theo hướng định lượng và mô hình hóa lý thuyết theo tiêu chuẩn của các tạp chí quốc tế. Môi trường trao đổi học thuật cởi mở giữa các chuyên gia nhiều kinh nghiệm với các nhà nghiên cứu trẻ được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng các nghiên cứu và đào tạo lực lượng nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam.
Diễn giả của seminar lần này là ThS. Trần Trọng Phong, giảng viên Viện Ngân hàng Tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân. Tham dự Seminar có sự góp mặt của các chuyên gia kinh tế, nghiên cứu viên, giảng viên và sinh viên đến từ các trường đại học.
Bài nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của nữ giới trong hội đồng quản trị tới rủi ro của các doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả nghiên cứu chỉ ra vai trò của nữ giới đối với doanh nghiệp, làm rõ hơn vị thế của nữ giới trong xã hội ngày nay, và tìm ra tỷ lệ nữ giới tối ưu để giảm rủi ro xuống mức thấp nhất cho các doanh nghiệp.
Buổi tọa đàm thu hút được nhiều ý kiến và thảo luận xung quanh các vấn đề liên quan tới mô hình sử dụng trong bài nghiên cứu. TS. Nguyễn Đức Thành và TS. Phạm Văn Đại cùng thống nhất với nhau rằng chủ đề này là một chủ đề mới và chưa có nhiều nghiên cứu thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, mộ hình sử dụng trong nghiên cứu vẫn còn tương đối đơn giản và số lượng biến kiểm soát còn hạn chết. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đánh giá cao chất lượng của bài nghiên cứu, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến và gợi ý nhiều hướng phát triển tiếp theo cho bài viết. TS. Phạm Văn Đại gợi ý sử dụng phương pháp GMM nhằm khắc phục vấn đề nội sinh của mô hình.