Tìm kiếm
Thứ Sáu, 29/03/2024 07:37

Tăng trưởng kinh tế 2019 có thể vượt chỉ tiêu?

09:13:00 06/09/2019

Các chuyên gia dự báo, mặc dù gặp nhiều thách thức, tác động từ bên ngoài, cũng như những khó khăn trong nước, song tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể vượt chỉ tiêu kế hoạch 6,6 - 6,8% mà Quốc hội đề ra.

https://thuonghieucongluan.com.vn/bat-mach-tang-truong-kinh-te-ben-vung-tu-noi-luc-a80503.html?fbclid=IwAR3Vt7kybiHxLMFSIszgGAjDMAlQ8QHKz6oU5GlI2eKetj68NdYlZNPVZ3g

Những dự báo tăng trưởng

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), với mức tăng trưởng GDP đạt 6,71% của quý II/2019, mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% cả năm 2019 do Quốc hội đề ra sẽ khả thi.

VEPR dự báo, tăng trưởng kinh tế quý III và quý IV năm nay sẽ đạt lần lượt 7,06% và 7,17%, đưa tăng trưởng GDP cả năm lên mức 6,96%. Lạm phát bình quân sẽ gia tăng trong 2 quý cuối năm nay, ở mức 3,38% và 4,21%.

VEPR cho rằng, nền kinh tế Việt Nam cuối năm 2019 trở nên bất định hơn, do tác động bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng Nhật - Hàn... làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và các liên kết kinh tế mới. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra tỷ giá một cách linh hoạt, khách quan và tôn trọng quy luật thị trường nhằm hấp thụ các “cú sốc” từ bên ngoài.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty CP công nghệ Namuga

Thu hút đầu tư là yếu tố quan trọng để tăng trưởng

Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cũng đưa ra dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ vượt mục tiêu kế hoạch đề ra và đạt mức 6,86%.

Theo Giám đốc NCIF Trần Thị Hồng Minh, một số yếu tố có thể tác động, cả tích cực và tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, bao gồm việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong vấn đề dầu mỏ…

Trong nước, việc Chính phủ tiếp tục tập trung tiến trình cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, tận dụng những cơ hội của hội nhập quốc tế - sẽ là các yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm, cũng như cả năm 2019.

Trong khi đó, các tổ chức quốc tế tỏ ra khá thận trọng với dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay. Theo đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu dự kiến chậm lại. Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019, sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2020.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) thì cho rằng, GDP của Việt Nam sẽ ở mức thấp nhất trong kế hoạch mục tiêu với 6,6%, do sức cầu bên ngoài yếu đi, chính sách tài khóa và chính sách tín dụng tiếp tục được thắt chặt. Tốc độ tăng trưởng này sẽ giảm nhẹ xuống mức 6,5% trong 2 năm tiếp theo.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong ngắn hạn với mức tăng trưởng trong năm 2019 dự kiến đạt 6,9%.

Trong đó, lĩnh vực sản xuất có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kỳ vọng sẽ tăng ở mức 2 con số trong năm thứ 4 liên tiếp và đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính. Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm nay, nhất là lĩnh vực sản xuất với tổng lượng vốn dự kiến đạt 18 tỷ USD.

Bền vững từ nội lực

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam có thể đạt mức 6,82%; Lạm phát bình quân ở mức 3,38%.

Trưởng ban - Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM Nguyễn Anh Dương: Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế như dự báo, trước tiên, các cơ quan chức năng phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô; đồng thời, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực.

Nội lực trong nước, sức cạnh tranh của doanh nghiệp phải được nâng cao để tăng trưởng bền vững

Nội lực trong nước, sức cạnh tranh của doanh nghiệp phải được nâng cao để tăng trưởng bền vững

Các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, để đạt được tăng trưởng, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; xây dựng và ban hành công khai, minh bạch kế hoạch cụ thể sử dụng vốn thu được từ thoái vốn, công khai các doanh nghiệp nhà nước chậm trễ trong việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, niêm yết, gắn với trách nhiệm cá nhân để có giải pháp xử lý nghiêm và hiệu quả.

Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cần tăng cường theo dõi, đánh giá dòng vốn đầu tư để kiểm soát rủi ro “vốn nóng”; cụ thể hóa và truyền thông về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới.

Các ngành cần khuyến khích, động viên các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; nghiên cứu, ban hành chiến lược, các biện pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài, trên cơ sở không trái với cam kết và thông lệ quốc tế, có sự đồng thuận của các nhà đầu tư.

Viện trưởng CIEM, TS. Nguyễn Đình Cung: “Bắt mạch” động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay, cần phải cải cách, tái cơ cấu để chuyển đổi, nâng cao chất lượng...

“Hội nhập, thu hút đầu tư là yếu tố quan trọng để tăng trưởng, phát triển kinh tế, nhưng nội lực trong nước, sức cạnh tranh của doanh nghiệp phải được nâng cao - đó mới là tăng trưởng bền vững”, TS. Cung nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế GS. TS. Nguyễn Quang Thái nhận định, để duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế như mục tiêu Quốc hội đề ra, đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ đóng vai trò quan trọng trong quản lý điều hành kinh tế. Tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch vào Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động phòng tránh, ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng, đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA (đặc biệt đối với các mặt hàng có xu hướng tăng trưởng tốt như dệt may, da giày, đồ gỗ...); tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu, nhất là nông sản, thủy sản... thâm nhập vào các thị trường mới.

Kiểm soát lạm phát trên cơ sở theo dõi sát diễn biến giá dầu thế giới và tính toán lộ trình, phạm vi tiếp tục điều chỉnh tăng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý (như giá dịch vụ y tế, giáo dục...); tránh điều chỉnh tập trung vào một thời điểm trong năm.

Hoan Nguyễn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image