Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Ba, 19/03/2024 07:15

Hội thảo Khoa học “Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình: Cạnh tranh chiến lược mới tại khu vực?”

10:58:00 09/09/2016

Vào sáng ngày 9/9/2016, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) đã tổ chức Hội thảo Khoa học thường niên VCES 2016 chủ đề "Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình: Cạnh tranh chiến lược mới tại khu vực?" tại phòng hội trường 801, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội

Tải tài liệu hội thảo tại đây.

Hội thảo đã quy tụ được nhiều học giả, các nhà nghiên cứu đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu uy tín trong nước cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Toàn cảnh buổi hội thảo

TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phát biểu khai mạc Hội thảo, giới thiệu về Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) và những hoạt động chính của Chương trình. Trong đó Hội thảo thường niên VCES thường được tổ chức vào mùa thu là diễn đàn giao lưu trao đổi khoa học giữa các học giả về các vấn đề kinh tế và chiến lược Trung Quốc. 

TS. Nguyễn Đức Thành phát biểu khai mạc hội thảo

Sau gần một nhiệm kỳ dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang tiến hành cải cách về nhiều mặt (chính trị, luật pháp, quan đội, kinh tế, ngoại giao, v.v.). Hội thảo thường niên VCES lần thứ 5 được tổ chức tập trung vào các diễn biến của những thay đổi tình hình trong nước  và chính sách đối ngoại của Trung Quốc và đánh giá tác động từ quá trình này tới việc hình thành cuộc cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược mới tại khu vực châu Á - Thái Bình dương.

Đầu tiên, TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) trình bày báo cáo về "Kinh tế Trung Quốc dưới thời Tập Cận BÌnh" với các nội dung chính: (1) Những thách thức với kinh tế Trung Quốc trước thời Tập Cận Bình; (2) Những cam kết cải cách kinh tế của Đại hội 18 và Hội nghị Trung ương 3; (3) Kinh tế Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình: đặc trưng quyết sách ; (4) Kinh tế Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình: tăng trưởng hay cải cách?

TS. Phạm Sỹ Thành trình bày báo cáo

Tiếp đó, ThS. Hồ Công Hường - Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH-ĐT thay mặt ThS. Nguyễn Quốc Trường trình bày báo cáo với tiêu đề "Sáng kiến 'Một vành đai, một con đường' của Trung Quốc, vấn đề đặt ra và lựa chọn chính sách của Việt Nam". Sau khi giới thiệu khái quát về sáng kiến "Một vành đai, một con đường", báo cáo tổng hợp những đề xuất hợp của Trung Quốc với ASEAN và Việt Nam. Từ đó, báo cáo phân tích, đánh giá cơ hội hợp tác và chỉ ra một số vấn đề đặt ra với Việt Nam. Cuối cùng, báo cáo đề xuất một số kiến nghị chính sách cho Việt Nam trước tình hình đó.

ThS. hồ Công Hường trình bày báo cáo

Báo cáo tiếp theo với chủ đề "Vai trò của người Hoa và di dân người Trung Quốc mới trong chiến lược của Trung Quốc hiện nay" do TS. Dương Văn Huy -  Viện Nghiên cứu Đông Nam Á , Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày bao gồm các nội dung chính: (1) Khái niệm người Hoa, Hoa kiều và Di dân người Trung Quốc mới; (2) Tình hình phân bố người Hoa và Hoa kiểu trên thế giới và loại hinh cùng đặc điểm di cư  người Trung Quốc; (3) Vai trò của người Hoa, Hoa kiều đối với Trung Quốc qua các thời kỳ; (4) Cách nhìn nhận của Trung Quốc đối với vị trí của người Hoa, Hoa kiệu hiện nay.

TS. Dương Văn Huy trình bày báo cáo

Ông Phạm Tiến - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam mang đến Hội thảo bài trình bày về "Những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Mỹ kể từ sau 2012 và hệ luỵ đối với các quốc gia trong khu vực".  Đầu tiên, ông Phạm Tiến khái quát tổng thể chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Tập Cận Bình, sau đó, ông chỉ ra phương hướng chiến lược trong quan hệ với Mỹ. Về phía Mỹ, ông nêu lên chính sách của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc. Sau khi nêu những biện pháp chính sách cụ thể mà Trung Quốc và Mỹ dùng đối với nhau, ông đưa ra những vấn đề mà quan hệ giữa hai cường quốc đặt ra đối với các quốc gia trong khu vực.

Ông Phạm Tiến trình bày báo cáo

Cuối cùng là bài trình bày "Một số ý kiến về nghiên cứu Trung Quốc" của PGS.TS. Lê Cao Đoàn - Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Báo cáo đưa ra những cách tiếp cận khoa học trong việc nghiên cứu  Trung Quốc. Đi sâu vào nội dung nghiên cứu, báo cáo tập trung vào các vấn đề chính như: mô hình nền kinh tế nhị thể mới ở Trung Quốc, sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc và những nghịch lý và nguy cơ thất bại của Trung Quốc.

PGS.TS. Lê Cao Đoàn trình bày báo cáo

Phần thảo luận của Hội thảo diễn ra sôi nổi với sự đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế và chiến lược. Những biến đổi mạnh mẽ về tình hình trong nước cùng sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời lãnh đạo của chủ tịch Tập Cận Bình đang là vấn đề được tất cả các chuyên gia quan tâm và mong muốn có được những cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn. Bên cạnh sự trỗi dậy về kinh tế, các vấn đề liên quan đến chính trị, dân cư, chiến lược và quân sự của Trung Quốc trong những năm gần đây cũng rất được quan tâm bởi tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của quốc gia này tới mọi khu vực. Tại đây, các học giả không chỉ đưa ra hiện trạng, phân tích tình hình Trung Quốc và sự hình thành cuộc cạnh tranh chiến lược mới giữa các cường quốc tại khu vực mà còn thảo luận về các giải pháp có thể áp dụng được cho Việt Nam.

Phần thảo luận diễn ra rất sôi nổi
Diễn giả và khách mời chụp ảnh kỷ niệm sau hội thảo

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image