Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Tư, 15/01/2025 09:48

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 15 “Đánh giá về tác động của vốn vay Trung Quốc”

16:28:00 30/12/2016

Sáng ngày 29/11/2016, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) và Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Chiến lược Quốc tế thuộc IWEP (CISS) đã tổ chức Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 15 với chủ đề “Đánh giá về tác động của vốn vay Trung Quốc”.

Diễn giả của Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 15 là TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES).

Seminar thu hút sự tham gia góp mặt của các học giả, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao ở các viện nghiên cứu, các cơ quan; các giảng viên, sinh viên đến từ các trường Đại học cùng các đơn vị truyền thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Toàn cảnh Hội trường

Mở đầu, PGS.TS. Chu Đức Dũng – Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (IWEP), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) phát biểu khai mạc buổi Seminar.

PGS.TS. Chu Đức Dũng phát biểu khai mạc buổi Seminar

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 15 nằm trong Chuỗi Seminar về Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc được tổ chức định kỳ 2 tháng một lần, do Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) chủ trì, với mong muốn mở ra một diễn đàn để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, từ đó tạo thành một mạng lưới của giới nghiên cứu trao đổi về các vấn đề liên quan đến kinh tế, chính trị, ngoại giao, xã hội, an ninh Trung Quốc.

Tiếp đó, TS. Phạm Sỹ Thành thay mặt nhóm nghiên cứu VCES trình bày báo cáo “Trung Quốc cung cấp tín dụng phát triển trong bối cảnh mới: Cơ hội và thách thức”. Các nội dung chính của báo cáo bao gồm: (1) Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động cung cấp tín dụng phát triển và thành lập nhiều định chế tài chính mới; (2) Cơ hội mà luồng tín dụng phát triển Trung Quốc mang lại cho các quốc gia đang phát triển; (3) Thách thức đến từ tín dụng phát triển của Trung Quốc.

TS. Phạm Sỹ Thành trình bày báo cáo nghiên cứu

Trung Quốc đã chuyển hướng phát triển kinh tế hướng mạnh theo hướng không chỉ xuất khẩu hàng hóa mà còn xuất khẩu vốn, công nghệ và lao động ra nước ngoài. Để thực hiện điều này, Trung Quốc đã đẩy mạnh thành lập hàng loạt định chế tài chính cung cấp tín dụng phát triển như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB – vốn điều lệ 100 tỉ đô la Mỹ); Quỹ Con đường tơ lụa (SF, vốn ban đầu 40 tỉ đô la Mỹ), và Quỹ Con đường tơ lụa xanh (vốn ban đầu 4,8 tỉ đô la Mỹ). Các định chế mới này, cộng với các ngân hàng chính sách trước đây như Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB), Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (CHEXIM) đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia cung cấp tài chính phát triển lớn nhất thế giới vào năm 2016.

Trong giai đoạn 2005 – 2014, chỉ tính riêng lĩnh vực năng lượng, các định chế tài chính cung cấp tín dụng phát triển của Trung Quốc đã cho vay hơn 127 tỷ USD (gần gấp đôi con số 78 tỷ USD do Ngân hàng Thế giới cung cấp). Tại Châu Phi, Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất, cung cấp tài chính cho 80% số dự án cơ sở hạ tầng giao thông. Theo ước tính của VCES, tính gộp cả ODA, các khoản cho vay của các ngân hàng chính sách, các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính mới, từ 2015 mỗi năm Trung Quốc cung cấp 80 – 100 tỷ USD tài chính phát triển ra toàn cầu. Có một điểm đáng chú ý là các khoản tài chính phát triển của Trung Quốc chịu sự chi phối mạnh mẽ của chiến lược Một vành đai, Một con đường (OBOR) mà ông Tập Cận Bình đưa ra hồi năm 2013.

Sự xuất hiện của luồng tín dụng phát triển Trung Quốc đem lại nhiều cơ hội cho các quốc gia đang phát triển:

  1. Thu hẹp mức chênh lệch giữa nhu cầu đầu tư với khả năng đáp ứng vốn của các định chế tài chính quốc tế khác
  2. Tạo ra sự liên kết địa – kinh tế ngày càng mật thiết, qua đó giảm chi phí thương mại, tạo điều kiện hình thành mạng lưới sản xuất và logistíc trên quy mô rộng hơn

Tuy nhiên, tín dụng phát triển Trung Quốc cũng tạo ra nhiều thách thức với các nước vay vốn.

Về điều kiện cho vay. Các điều kiện tiếp cận vốn của Trung Quốc thường đơn giản hơn so với các định chế quốc tế hiện thời nhưng điều này có thể nuôi dưỡng tham nhũng và làm đầu tư kém hiệu quả. Đặc biệt, các khoản vay của AIIB “nhất định sẽ không đi kèm với các điều kiện về chính trị” (No Political Interference). So sánh quy định về vấn đề bảo vệ môi trường, các định chế quan trọng của Trung Quốc như AIIB, CDB, CHEXIM, MOFCOM hay CBRC đều có số quy định rất thấp (chỉ 2-3 quy định, CDB có 6 quy định, so với 9 quy định của WB). Trong đó, có 3 quy định quan trọng bị thiếu là vấn đề giám sát và đánh giá tác động môi trường; giảm thiểu thiệt hại môi trường; tương tác với cộng đồng nơi dự án được triển khai v.v.

Bên cạnh đó, điều kiện đảm bảo về quyền con người mà WB, ADB hay EBRD sử dụng cũng đảm bảo rằng người dân có sinh kế bị thiệt hại bởi các dự án được đầu tư bởi các khoản vay nước ngoài có quyền lên tiếng để yêu cầu bồi thường hợp pháp.

Về kinh tế và tài chính.  Vốn vay từ Trung Quốc không rẻ (tính cả về lãi suất và tỷ giá).

  1. Ngay cả khi Trung Quốc sẵn sàng cung cấp các khoản cho vay với lãi suất gần như bằng 0 thì  các điều khoản về việc chỉ định nhà thầu Trung Quốc, sử dụng lao động Trung Quốc cho cả các hạng mục đơn giản nhất cũng đã hạn chế lợi ích tiềm tàng cho các công ty bản địa.
  2. Các công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án ODA của quốc gia này thường tính đội chi phí cho các hạng mục công việc.
  3. Trên thực tế, lãi suất Trung Quốc đưa ra không hề thấp

Các lo ngại về vấn đề môi trường. Trung Quốc có 3 mức độ về bảo vệ môi trường với các khoản đầu tư ra nước ngoài hoặc cho vay phát triển.

  1. Bộ Thương mại Trung Quốc ban hành “Hướng dẫn về bảo vệ môi trường đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài và hợp tác quốc tế”. Văn bản này hướng đến tất cả các nhà đầu tư Trung Quốc bất kể là nhà nước hay tư nhân nhưng lại chỉ mang tính “định hướng về đạo đức” đối với các DNNN.
  2. CBRC ban hành “Hướng dẫn tài chính xanh” đối với tất cả các dự án sử dụng vốn vay ngân hàng, trong đó có việc yêu cầu các nhà đầu tư Trung Quốc phải đáp ứng các quy định về luật môi trường quốc tế và luật môi trường của quốc gia nhận vốn vay.
  3. Hai định chế tài chính nhà nước là CDB và CHEXIM tự định ra các yêu cầu về môi trường đối với các dự án của mình

Tác động của việc môi trường bị hủy hoại không chỉ gây tổn thất trực tiếp để phục hồi môi trường nguyên trạng mà quan trọng hơn nó có thể ảnh hưởng thậm chí phá hủy sinh kế của người dân tại khu vực đó. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu An ninh khu vực (CRSS) thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) năm 2016 cũng thừa nhận rằng “rất nhiều dự án OBOR có thể gây ra hàng loạt vấn đề an ninh môi trường”.

 

Các lo ngại về lao động và thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

  1. Số việc làm mà các dự án của Trung Quốc tạo ra không lớn do thường xuyên sử dụng lao động Trung Quốc với quy mô lớn
  2. Thay đổi chính sách nhằm bảo vệ công dân Trung Quốc có thể dẫn đến căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và quốc gia bản địa

Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với sự tham gia của nhiều chuyên gia như TS. Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, TS. Trần Toàn Thắng, ông Nguyễn Quốc Trường, PGS.TS. Lê Cao Đoàn,... Các chuyên gia đánh giá cao cách tiếp cận của nhóm tác giả và bàn sau thêm về tác động của dòng vốn hỗ trợ phát triển của Trung Quốc đến Việt Nam.

TS. Lưu Bích Hồ
Bà Phạm Chi Lan (đầu tiên bên trái)
TS. Trần Toàn Thắng (thứ ba từ trái sang)

 

Ông Nguyễn Quốc Trường (thứ hai từ trái sang)
PGS.TS. Lê Cao Đoàn (thứ hai từ phải sang)

 

Một số hình ảnh khác tại buổi Seminar

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 15 

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image