Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Chủ Nhật, 22/12/2024 02:05

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 34

11:53:00 04/01/2016

Sáng ngày 4/1/2016, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 34 với chủ đề: “Self-enforcing intergenerational social contract as a source of Pareto improvement and Emission mitigation”

Tải tài liệu seminar tại đây

Seminar này được VEPR tổ chức định kì, với kỳ vọng sẽ là một diễn đàn học thuật để các nhà nghiên cứu trẻ trình bày các kết quả khoa học của mình. Chúng tôi khuyến khích các phương pháp tiếp cận theo hướng định lượng và mô hình hóa lý thuyết theo tiêu chuẩn của các tạp chí quốc tế. Môi trường trao đổi học thuật cởi mở giữa các chuyên gia nhiều kinh nghiệm với các nhà nghiên cứu trẻ được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng các nghiên cứu và đào tạo lực lượng nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam.

Diễn giả của seminar lần này là TS. Đào Nguyên Thắng, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu các vấn đề toàn cầu và biến đổi khí hậu (Mercator Research Institute on Global Commons and Climate Change), tại Berlin, Công hoà liên bang Đức. Tham dự Seminar có sự góp mặt của các chuyên gia kinh tế, nghiên cứu viên, giảng viên và sinh viên đến từ các trường đại học.

Bài nghiên cứu được thực hiện nhằm xem xét dưới góc độ lý thuyết một cơ chế đàm phán (cụ thể ở đây là khế ước xã hội) giữa các thế hệ trong một quốc gia để giảm thiểu lượng phát thải đồng thời tăng mức thu nhập của quốc gia đó. Sử dụng mô hình cân bằng tổng thể liên thế hệ (General equilibrium overlapping generations), tác giả chỉ ra rằng có khả năng tồn tại một khế ước xã hội giữa các thế hệ để đưa nền kinh tế tới một trạng thái dừng tốt  hơn. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi thu nhập của quốc gia đó phải trên một ngưỡng thu nhập nhất định. Tác giả cũng lưu ý đến hai trường hợp nền kinh tế quay trở lại trạng thái dừng ban đầu nếu: (i) việc đàm phán bị trì hoãn; và (ii) khế ước xã hội giữa các thế hệ bị phá vỡ.

Buổi tọa đàm thu hút được nhiều ý kiến và thảo luận xung quanh các vấn đề liên quan tới mô hình lý thuyết và ý nghĩa kinh tế của nó. TS. Nguyễn Đức Thành và các chuyên gia đánh giá cao chất lượng của bài nghiên cứu và cho rằng hướng nghiên cứu này còn rất mới không chỉ tại Việt Nam mà còn cả trên thế giới. TS. Đào Nguyên Thắng cũng đồng ý với ý kiến này và cho biết hướng phát triển tiếp theo là tìm cách mô hình hóa các yếu tố về thay đổi công nghệ, tăng trưởng dân số.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image