Tìm kiếm
Thứ Tư, 24/04/2024 09:37

Tiền Việt có thể giữ giá tương đối trong thời gian tới

09:10:00 29/08/2019

Nhiều ngân hàng trung ương có cắt giảm thêm lãi suất điều hành? Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có dẫn đến chiến tranh tiền tệ? Các doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì trong bối cảnh tỷ giá, lãi suất hiện nay? PGS-TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) trao đổi về vấn đề này.

https://infomoney.vn/tien-viet-co-the-giu-gia-tuong-doi-trong-thoi-gian-toi-d105937.html?fbclid=IwAR2XuIjLQwdpphwqUMlppSLPOqtoRdu0NoIykO35DfB_84rAGPymDKDGQCE

.
PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách.

Gần 20 ngân hàng trung ương đã đồng loạt hạ lãi suất từ sau quyết định hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Mỹ tuyên bố áp thuế lên các hàng hóa còn lại của Trung Quốc. Theo ông, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tác động lên quyết định của các ngân hàng trung ương ra sao?

Điều hành lãi suất là một công cụ hiệu quả để nâng/hạ giá đồng tiền. Trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có thể can thiệp trực tiếp thị trường ngoại hối thông qua ấn định tỷ giá, thì công cụ lãi suất là cách mà nhiều ngân hàng trung ương sử dụng để can thiệp theo hướng mở hơn.

Khi Mỹ đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc, phản ứng của Trung Quốc là hạ giá tiền tệ nhằm giảm giá trị nhân dân tệ, giúp hàng hóa cạnh tranh hơn và bù lại việc bị đánh thuế. Ngưỡng tâm lý 7 nhân dân tệ đổi 1 USD bị vượt qua hồi đầu tháng 8 đã kéo theo phản ứng dây chuyền hạ lãi suất ở nhiều các quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan, New Zealand…, cũng nhằm giúp hàng hóa của họ cạnh tranh, bù đắp phá giá nhân dân tệ.

Với phản ứng của các ngân hàng trung ương như vậy, liệu căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có dẫn đến chiến tranh tiền tệ?

Nhiều quan điểm lo lắng khi các quốc gia hạ giá đồng nội tệ, nhưng phải khẳng định rằng, chiến tranh tiền tệ không phải biện pháp lâu dài và PBoC cũng rất thận trọng.

Tôi cho rằng, động thái hạ giá nhân dân tệ hiện mang tính thăm dò. Bản thân Trung Quốc cũng không dám phá giá quá nhiều, bởi sẽ tác động ngược, khiến nhà đầu tư mới không vào, thậm chí nhà đầu tư hiện tại còn rút vốn. Trong khi đó, Trung Quốc đang dùng biện pháp kích thích, thu hút và giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, khả năng xảy ra chiến tranh tiền tệ là rất thấp.

Giữa những bất ổn hiện tại từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, vì sao tiền Việt (VND) vẫn khá ổn định, thưa ông?

Với nguồn cung USD tăng lên nhờ thặng dư thương mại và dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay các thương vụ bán vốn nhà nước, đáng lẽ VND phải lên giá. Một trong các động thái của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua là liên tục mua vào USD, một mặt tích trữ ngoại hối, một mặt để giữ tỷ giá ổn định. Ngoài ra, người nước ngoài chuyển tiền về nước khoảng 14 tỷ USD trong năm 2018.

Việc giữ đồng tiền ổn định, tránh lên giá nhằm giúp hàng hóa cạnh tranh khi xuất khẩu, đồng thời hàng hóa trong nước cạnh tranh hơn với hàng nhập khẩu. Mặc dù vậy, cần dè chừng việc mua vào ngoại tệ. bởi đã có những cảnh báo mới đây từ Mỹ về dấu hiệu thao túng tiền tệ.

Theo ông, diễn biến tỷ giá VND/USD và lãi suất sẽ như thế nào thời gian tới?

Tỷ giá VND/USD hiện mới tăng 0,06% từ đầu năm. Tôi cho rằng, mục tiêu đồng nội tệ của Việt Nam từ giờ đến cuối năm mất giá nằm trong khoảng dưới 2% hoàn toàn khả thi, thậm chí giữ nguyên. Dòng vốn ngoại vẫn đang tiếp tục chảy, kế hoạch thoái vốn nhiều tập đoàn lớn cũng kỳ vọng tìm được đối tác nước ngoài.

Về lãi suất, gần đây, lãi suất kỳ hạn dài đã tăng đáng kể. Đơn cử, VietCapital Bank niêm yết lãi suất tới 10,2%/năm với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm, trong khi lãi suất kỳ hạn ngắn đứng yên. Nguyên nhân là các ngân hàng đang tập trung thu hút thêm nguồn vốn dài hạn để đáp ứng tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo lộ trình tại thông tư mới đang chờ ban hành.

Lãi suất dài hạn sẽ giảm xuống khi ngân hàng dần cân đối và các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước tăng vốn. Do vậy, doanh nghiệp nên vay ngắn hạn và nếu có khả năng, thì nên vay bằng ngoại tệ, do VND sẽ giữ giá tương đối trong thời gian tới.

Ông kỳ vọng lãi suất dài hạn sẽ giảm, cụ thể ở thời điểm nào?

Lãi suất dài hạn về cơ bản phụ thuộc vào lạm phát và sự lành mạnh của hệ thống tài chính - ngân hàng. Theo tôi, khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, giá hàng hóa không tăng đột biến, kỳ vọng lạm phát ở mức 3-4% là khả thi.

Với việc các ngân hàng dần cân đối (theo lộ trình kết thúc dự kiến vào năm 2021 hoặc 2022, Chính phủ cho phép ngân hàng thương mại vốn nhà nước tăng vốn), vốn ngân hàng không quá lệch pha giữa cho vay dài hạn huy động ngắn hạn, tôi kỳ vọng, lãi suất dài hạn sẽ giảm trong vòng 1 năm tới.

Một trong các yếu tố hỗ trợ tỷ giá thời gian tới là dòng vốn đầu tư nước ngoài. Theo ông, có nên kỳ vọng dòng vốn FDI đổ mạnh về Việt Nam nhờ ảnh hưởng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung?

Với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tôi không quá kỳ vọng dòng vốn vào từ công ty quốc tế mới, nhưng các công ty đa quốc gia đã có hoạt động ở Việt Nam sẽ mở rộng quy mô. Các công ty Trung Quốc cũng có xu hướng sang Việt Nam khi nhận thấy Việt Nam gần về địa lý, đang tạm thời tránh được căng thẳng thương mại.

Các doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam, ngoài tận dụng lao động giá rẻ, điều quan trọng còn là thị trường xuất khẩu từ các hiệp định thương mại. Kết cấu hạ tầng cũng cải thiện đáng kể so với khoảng 10 năm trước. Từ những lợi thế như vậy, phải thấy rằng, các doanh nghiệp FDI cũng cần Việt Nam.

Tôi cho rằng, chúng ta cần thay đổi chiến lược thu hút FDI, thay vì ưu đãi thái quá. Khi tốc độ tăng trưởng dân số cũng đã xuống rất thấp (1%), chúng ta không cần phải có nhiều việc làm nữa, chiến lược với FDI cũng cần thay đổi ngay từ bây giờ.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image