Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Bảy, 23/11/2024 06:06

Tọa đàm góp ý Bản thảo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014

18:21:00 18/04/2014

Ngày 18/04/2014, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức buổi Tọa đàm Góp ý cho Bản thảo của Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014. Buổi Tọa đàm diễn ra tại Phòng hội thảo của Khu đô thị Ecopark, Văn Giang, Hưng Yên.

Tham dự buổi Tọa đàm có GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam; TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW; TS. Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Đinh Quang Ty, Thư ký khoa học chuyên trách kinh tế - Hội đồng Lý luận TW;  PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội và TS. Nguyễn Ngọc Hà, Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Các chuyên gia phản biện cho Bản thảo BCTN KTVN 2014

Mở đầu buổi Tọa đàm, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thay mặt nhóm tác giả, tóm tắt bối cảnh hình thành, mục tiêu, định hướng và cấu trúc của Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014. Các nội dung được chọn trình bày tại buổi Tọa đàm bao gồm: Tổng quan Kinh tế Thế giới 2013" - TS. Nguyễn Cẩm Nhung, đại diện nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN; "Tổng quan về kinh tế Việt Nam năm 2013" - TS. Nguyễn Đức Thành và nhóm nghiên cứu; “Những ràng buộc của quá trình tái cơ cấu: Tiếp cận từ phương pháp chẩn đoán tăng trưởng” - TS. Nguyễn Đức Thành, và Ngô Quốc Thái, VEPR. “Đánh giá hệ thống tài chính Việt Nam qua hệ thống chỉ tiêu FSIs và hàm ý chính sách - TS. Nguyễn Đức Thành và Vũ Minh Long, VEPR; Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh hình thành Khu vực Kinh tế châu Á - TS. Nguyễn Anh Thu, đại diện nhóm nghiên cứu ĐH Kinh tế - ĐHQGHN.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Các chuyên gia phản biện đánh giá cao những phân tích và các kết quả nghiên cứu ban đầu của nhóm tác giả. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề được các chuyên gia phản biện đưa ra và hy vọng nhóm tác giả sẽ tiếp tục sửa chữa và đưa thêm vào Báo cáo. Cụ thể, Chương đầu tiên về kinh tế thế giới chưa thực sự bám sát vào những vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới trong hơn một năm qua, đồng thời cũng chưa có những liên hệ thực sự mật thiết với tình hình kinh tế Việt Nam. Chương thứ hai về kinh tế Việt Nam, bên cạnh việc mô tả và phân tích rất chi tiết những chỉ tiêu vĩ mô cơ bản, thì phần chính sách vẫn cần nhóm nghiên cứu bổ sung và đánh giá sâu hơn. Về Chương thứ tư, đánh giá hệ thống tài chính Việt Nam cần dựa thêm vào những thông số khác đặc thù hơn cho trường hợp Việt Nam, chứ không chỉ gói gọn trong các chỉ số FSIs. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng cần tham khảo thêm một số nguồn phân tích của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Cuối cùng, về Chương thứ năm liên quan đến vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam những năm gần đây, các chuyên gia cho rằng nhóm nghiên cứu nên tập trung nhiều hơn vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương, thay vì dàn trải và phân tích cả việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Nhóm tác giả đã lắng nghe, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp chi tiết và sâu sắc của các chuyên gia phản biện nhằm chỉnh sửa và nâng cao chất lượng nội dung của Báo cáo. Dự kiến Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam sẽ được hoàn thiện và công bố vào đầu tháng 5/2014.

Một số hình ảnh của buổi Tọa đàm

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image