Tìm kiếm
Thứ Tư, 24/04/2024 12:06

VEPR: Thuế tài sản là một cú sốc về tiêu dùng

10:15:00 12/12/2018

[VOV - 12/12/2018 - PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Nguyễn Việt Cường] Thuế tài sản không phải là sắc thuế bền vững, nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội.

Đây là nhận định được đưa ra Tại hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu "Khả năng áp dụng và tác động của Thuế tài sản tại Việt Nam” do Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức ngày 12/12.

Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra đề nghị xây dựng dự thảo Luật thuế tài sản, đánh thuế đối với đất ở và nhà. Với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

 

vepr: thue tai san la mot cu soc ve tieu dung hinh 1
Đánh thuế tài sản là một cú sốc về tiêu dùng (Ảnh minh hoạ: KT)

Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.

Bộ Tài chính giải thích cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng. Còn đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư): áp dụng mức thuế suất là 0,3% trên toàn bộ giá trị đất.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Việt Cường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên nhóm nghiên cứu đã đưa ra tham luận dự báo ảnh hưởng của Luật Thuế tài sản lên phúc lợi hộ gia đình. Tham luận này dựa trên số liệu “Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2016” do Tổng cục Thống kê điều tra với mẫu 9.399 hộ gia đình tại 6 vùng địa lý, bao gồm cả nông thôn và thành thị.

Đưa ra các kịch bản nghiên cứu thuế tài sản với các ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng, 1 tỷ đồng, 2 tỷ đồng; với thuế suất 0,3% và 0,4%, TS. Nguyễn Việt Cường đã chỉ ra, đối với ngưỡng 700 triệu đồng, nếu thuế suất 0,3% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 978.000 đồng (bằng 0,66% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 638.000 đồng (bằng 0,27% tổng chi tiêu). Nếu thuế suất là 0,4% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,3 triệu đồng (bằng 0,89% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 851.000 đồng (bằng 0,36% tổng chi tiêu).

Đối với ngưỡng 1 tỷ đồng, nếu thuế suất là 0,3%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 897.000 đồng (bằng 0,61% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 600.000 đồng (bằng 0,25% tổng chi tiêu). Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,198 triệu đồng (bằng 0,82% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 800.000 đồng (bằng 0,34% tổng chi tiêu)

Đối với ngưỡng 2 tỷ đồng, nếu thuế suất là 0,3%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 763.000 đồng (bằng 0,53% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 525.000 đồng (bằng 0,22% tổng chi tiêu). Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,019 triệu đồng (bằng 0,72% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 700.000 đồng (bằng 0,29% tổng chi tiêu).

“Phương án thuế suất 0,3% và ngưỡng chịu thuế 2 tỷ đồng đối với nhà ở là có tác động nhỏ nhất với hộ gia đình. Phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng chịu thuế 1 tỷ đồng đối với nhà ở có tác động nhỏ hơn đến các hộ gia đình nhưng vẫn duy trì được doanh thu thuế cao”, TS. Cường nhận định.

Theo ông Cường, thuế tài sản sẽ làm giảm thu nhập khả dụng (giảm 0,9%), chi tiêu thực tế (giảm 0,7%). Các hộ gia đình có chủ hộ là nữ, chủ hộ nhiều tuổi, chủ hộ có học vấn cao bị ảnh hưởng nhiều hơn các hộ có chủ hộ là nam giới, trẻ tuổi và học vấn thấp. Các hộ gia đình có nhiều người cao tuổi bị ảnh hưởng nhiều hơn. Các nhóm dân tộc Kinh, Tày, Mường chịu ảnh hưởng lớn hơn các nhóm dân tộc khác.

PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cũng cho rằng, dự thảo Luật Thuế tài sản lần này được đưa ra trong bối cảnh hiện chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về phân phối tài sản của xã hội, trong khi đây sẽ là hàm tham chiếu để tính mốc đánh thuế hợp lý nhất. Khi chưa có đầy đủ dữ liệu thì mức đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng Bộ đưa ra là chưa hợp lý.

Theo PGS. Nguyễn Đức Thành, thuế tài sản nếu được ban hành như dự thảo hiện nay sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng tới đói nghèo và chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu. Do đó, chỉ số bất bình đẳng được cải thiện, nhưng chủ yếu do người giàu bị nghèo đi chứ không phải do người nghèo được cải thiện cuộc sống.

“Đây không phải là sắc thuế bền vững, nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội”, ông Thành nhấn mạnh.

PGS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, muốn cải thiện thu, tạo được sự đồng thuận cao của người dân thì việc nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình ngân sách ở mọi cấp là rất quan trọng. Đặc biệt là việc nâng cao giải trình trong các khoản chi ngân sách. Việc cải thiện ngân sách cũng có thể bắt đầu từ việc tiết kiệm chi, không nhất thiết phải tăng cường thu./.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image