|
Tìm kiếm |
Đăng ký bản tin Xuất bản phẩm Hỗ trợ VEPR |
Đạo đức trong kinh tế20:11:18 04/09/2012
Quyển sách này bàn về một dự phóng chính trị gọi là “chủ nghĩa tự do”. Bằng cụm từ này, tác giả muốn nói đến dự phóng tổ chức xã hội được đề xuất trong nửa sau thế kỉ XVIII bởi Adam Smith và David Hume ở Anh, Turgot và Condorcet ở Pháp, Jefferson ở Mĩ, Humboldt và Kant ở Đức, v.v. Đây là một dự phóng xã hội chủ trương một không gian rộng cho tự do cá nhân, tự do kinh tế, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, v.v.; một không gian tự do rộng hơn rất nhiều không gian từng được yêu sách trong quá khứ gần đó. Giới thiệu sách “Một quyển sách đặc biệt sáng rõ, trình bày hai trường phái lớn của chủ nghĩa tự do. Có thể trao tác phẩm dễ đọc và có sức thuyết phục này vào tay mọi người.” (Alternatives économiques) “… Việc trình bày rõ ràng những trường phái lớn của trào lưu tự do khuyến khích bạn đọc tiếp tục suy tưởng bằng cách tự mình tìm đọc những văn bản lớn được tác giả làm rõ một cách xác đáng.” (Le Monde) Về tác giả: Francisco Vergara sinh năm 1945 tại Santiago (Chile). Là nhà kinh tế và nhà báo, ông là tác giả của nhiều bài viết về kinh tế và triết học trong các tạp chí Pháp và Anglo-saxon. Trích sách:
Dẫn nhập “Bây giờ đã đến lúc tự hỏi là, trong bản hiến pháp tốt nhất, nên để phạm vi dành cho tự do cá nhân rộng đến mức độ nào…” SPINOZA (1670[1]) “Vậy thì giới hạn đúng đắn cho chủ quyền của cá nhân đối với bản thân mình là cái gì? Quyền uy của xã hội bắt đầu từ chỗ nào? Đời sống con người phải dành bao nhiêu cho cá nhân và bao nhiêu cho xã hội?” John-Stuart MILL (1859[2]) Quyển sách này bàn về một dự phóng chính trị gọi là “chủ nghĩa tự do”. Bằng cụm từ này chúng tôi muốn nói đến dự phóng tổ chức xã hội được đề xuất trong nửa sau thế kỉ XVIII bởi Adam Smith và David Hume ở Anh, Turgot và Condorcet ở Pháp, Jefferson ở Mĩ, Humboldt và Kant ở Đức, v.v. Đây là một dự phóng xã hội chủ trương một không gian rộng cho tự do cá nhân, tự do kinh tế, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, v.v.; một không gian tự do rộng hơn rất nhiều không gian từng được yêu sách trong quá khứ gần đó. Dự phóng này (với phần thiết yếu của các cuộc tranh luận và học thuyết đi kèm) đã, và vẫn tiếp tục còn ảnh hưởng lớn đến những ý tưởng mà các nhà cải cách hình dung một “xã hội tốt” phải như thế nào. Đặc biệt dự phóng là nguồn cảm hứng cho các cải cách mà Turgot đã thử nghiệm trong thời gian ngắn ngủi từ 1744 đến 1776 ở cương vị bộ trưởng (bãi bỏ lao dịch, tự do lưu thông ngũ cốc, bãi bỏ các ban quản lí phường hội), các cải cách mà cuộc cách mạng Pháp đã thực hiện trong giai đoạn ôn hoà của nó từ 1789 đến 1791 (bình đẳng về thuế, bãi bỏ thuế quan trong nội địa, v.v.), các thể chế mà một vài trong số mười ba thuộc địa Anh ở Hoa Kì đã thiết lập sau khi giành được độc lập năm 1776 (hiến chương liệt kê các quyền con người, v.v.) cũng như cho các cải cách chính được tiến hành tại Anh sau khi các cuộc chiến tranh của Napoléon kết thúc (đạo luật mới về người nghèo Poor Laws, bãi bỏ luật ngũ cốc Corn Laws, v.v.) Trong mọi thời kì của lịch sử, con người đã bàn luận về phạm vi cần phải có cho sự tự do. Người ta đã tự hỏi rằng tự do này hay tự do kia là tốt hay xấu, rằng nên trao tự do đó cho nhóm người này hay nhóm người khác. Đó là trường hợp của các cuộc tranh luận lớn ở Tây Ban Nha trong thế kỉ XVI để, chẳng hạn, quyết định thổ dân Da đỏ ở châu Mĩ được có quyền sở hữu hay không, hay các cuộc tranh luận ở Anh và Pháp trong thế kỉ XVII để xét xem là tự do lập luận ủng hộ thuyết vô thần có nên thuộc về khái niệm tự do ngôn luận hay không. Chẳng hạn, Locke không nghĩ rằng phải mở rộng tự do ngôn luận đến thế. So với các cuộc tranh luận trên, đặc điểm của chủ nghĩa tự do là không đòi hỏi đưa thêm một hay hai quyền tự do vào trong hệ thống hiện hành, nhưng yêu sách một phổ khá rộng các quyền tự do được nối kết với nhau trong một hệ thống mới. Và các quyền tự do này không chỉ dành riêng cho một nhóm người cụ thể, mà còn cho tất cả các dân tộc đạt đến một trình độ văn minh nhất định và đôi lúc ngay cho cả toàn nhân loại. Điều này giải thích là học thuyết (các luận cứ và biện minh) hình thành trong thời kì này tiếp tục là nguồn cảm hứng, cho đến tận ngày nay, cho các cuộc tranh luận về các vấn đề trên trong những nước khác và bối cảnh khác. Ngoài yêu sách nhiều tự do hơn, giữa các nhà tự do cổ điển có một số khác biệt trên một số vấn đề rất quan trọng, trên bình diện lí thuyết lẫn thực tiễn. Một số tác giả – như Turgot – mong muốn có một minh quân để thiết lập chế độ họ trông chờ; một số khác, như David Ricardo và Jeremy Benham (tuy không ảo tưởng về nền dân chủ) dựa trên việc mở rộng quyền bầu cử. Trong các đề nghị thực tiễn, một số nhà tự do cổ điển (Condorcet, Humboldt và Jefferson) tán thành giáo dục như một dịch vụ công ích lớn trong khi một số khác (Adam Smith và John Stuart Mill) đề nghị là Nhà nước tự giới hạn ở việc giám sát và thanh tra giáo dục tư nhân và bổ sung cho những thiếu sót của nền giáo dục này. Một số khác nghĩ rằng kinh tế chính trị là một “khoa học”; một số khác nữa lại tỏ ra hoài nghi hơn. Trong kinh tế, một số tác giả (chẳng hạn, Adam Smith và David Ricardo) còn thừa nhận, trong trường hợp vì sự công ích lớn, việc ban phát các độc quyền cho doanh nghiệp, trong lúc đối với Turgot thì việc hạn chế “tự do tự nhiên” là hoàn toàn không thể chấp nhận. Dường như chính ở Tây Ban Nha, trong thời kì các cuộc chiến tranh của Napoléon, mà từ cũ “tự do” (“libéral”) đã trở nên thông dụng để chỉ trào lưu tư tưởng mới này. Từ đó, thuật ngữ này nhanh chóng được du nhập sang các ngôn ngữ châu Âu khác. Có hai lí do giải thích sự thành công này. Vì các tác giả mà chúng ta nói đến (Smith, Turgot, Jefferson, v.v.) tán thành có nhiều tự do hơn trong hầu hết các cuộc tranh luận từng chia rẽ các nhà bút chiến thời đó nên thuật ngữ này là đặc biệt thích hợp. Và vì các biện pháp do họ đề xuất, như bãi bỏ chế độ nô lệ, lao dịch, tra tấn, v.v. được cảm nhận là những biện pháp “rộng lượng” (vốn là nghĩa ban đầu của từ “libéral”) nên tên gọi này càng thêm “đắc.” Vì sao cần nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa tự do? Người ta có thể đặt ra câu hỏi rằng có ích lợi gì ngày nay, trong thế kỉ XXI, khi nghiên cứu một dòng tư tưởng đã hơn hai trăm tuổi. Lí do là các câu hỏi cơ bản (phạm vi của tự do dành cho cá nhân và cho doanh nghiệp nên như thế nào? đâu là vai trò thích hợp cho Nhà nước?) mà các nhà tự do cổ điển đặt ra là những vấn đề gần như là “vĩnh cửu” bao giờ cũng được đặt ra cho con người sống trong xã hội. Các vấn đề này thường xuyên trở đi trở lại, nhất là khi xã hội bước vào một thời kì khủng hoảng và hoài nghi về các thể chế của nó, như thời kì trước cuộc cách mạng Pháp, hay gần đây hơn, thời kì cuộc Đại Suy thoái của những năm ba mươi của thế kỉ hai mươi, cũng như thời kì tăng trưởng chậm của các nền kinh tế Tây phương sau 1973. Các vấn đề ấy được đặt ra gay gắt hơn vào đầu thế kỉ XXI vì có khoảng “chân không” tri thức do sự thoái trào của một số lí tưởng xã hội duy ý chí và duy tập thểhơn chủ nghĩa tự do để lại, số lí tưởng này đã từng – sau Thế chiến thứ Hai – giữ một vị thế quan trọng trong các cuộc tranh luận. Ở đây, chúng tôi ngầm chỉ các mô hình xã hội-dân chủ khác nhau (Thụy Điển, Áo, Na Uy, v.v.) và các mô hình khác nhau được gọi là mô hình cộng sản (Liên Xô, Nam Tư, Trung Quốc, v.v.). Hầu như khắp nơi trên thế giới, một lần nữa, những câu hỏi giống nhau được đặt ra. Cách có hệ thống mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa tự do đã đặt ra và thảo luận các vấn đề này (mục tiêu của quyển sách này là trình bày chúng) để lại cho chúng ta nhiều bài học quý, cho dù ta nghĩ rằng câu trả lời của họ không phải là câu trả lời tốt nhất hay, tuy là câu trả lời đó thích hợp với thời đại của họ thì trong thời đại chúng ta có khả năng có một giải pháp khác đáng được ưa chuộng hơn. Nghiên cứu các nhà tự do cổ điển cũng là một liều thuốc giải độc bổ ích chống lại trào lưu tư tưởng đơn giản hoá quá mức và cực đoan đang trở thành thời thượng kể từ đầu những năm tám mươi của thế kỉ qua và, tiếc thay, cũng được gọi là “chủ nghĩa tự do”. Quả vậy, kể từ thời điểm trên, một bộ phận quan trọng của giới tinh hoa chính trị và những thành phần “có học thức” của một phần lớn thế giới dường như đã tự thuyết phục rằng hầu hết các vấn đề đặt ra ngày nay (thất nghiệp, tăng trưởng chậm, các cuộc khủng hoảng tài chính, việc tài trợ cho quỹ hưu, sự mất an ninh, v.v.) có thể được giải quyết tốt hơn bằng cách giảm hành động tập thể và duy ý chí của xã hội và để cho các lực của thị trường phát huy tác dụng. Trào lưu tư tưởng thời thượng này đã là nguồn cảm hứng cho nhiều chính phủ, không chỉ của các chính quyền của Margaret Thatcher ở Anh (1979-1990) và Ronald Reagan ở Mĩ (1980-1988) mà còn cả của các chính quyền xã hội ở Pháp và Tây Ban Nha, chính quyền lao động ở Anh, chính quyền theo Peron ở Argentina, v.v. Dưới tên gọi “Đồng thuận Washington”, trào lưu này đã ảnh hưởng đến chiến lược phát triển mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới toan áp đặt cho các nước thế giới thứ ba. Các lí thuyết gia đương đại chính của tư tưởng này (Milton Friedman và Friedrich Hayek) tự nhận và thường được coi là những người kế thừa các nhà tự do cổ điển (đặc biệt là Adam Smith). Thế mà, theo chúng tôi, trong một chừng mực lớn sự kế thừa này là mạo xưng[3] và một trong những mục tiêu chính của cuốn sách này là phản bác điều trên bằng cách chứng minh sự khác biệt sâu sắc về mặt nguyên tắc phân cách hai dòng tư tưởng này.
[1] SPINOZA, Traité théologico-politique, chương XVI, §1, (chúng tôi nhấn mạnh). [2] John Stuart MILL, On Liberty, chương 4, § 1 trong On Liberty and Other Essays, Oxford University Press, Oxford, 1991 (Bàn về tự do, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2005, trang 169 – ND). [3] Chính vì thế mà nhà xuất bản Italia trong lần xuất bản đầu tiên quyển sách này đã thêm tiểu tựa “un’eredita contesa” (một di sản bị tranh chấp).
Lời bình Mục lục sách DẪN NHẬP Cái gọi là “nguyên lí không can thiệp” Chớ nhầm lẫn ba dòng tư tưởng khác nhau Một dự phóng cải cách lớn Phương pháp được vận dụng trong sách này Về lần xuất bản này I. CHỦ NGHĨA TỰ DO VÀ CÁC HỌC THUYẾT LỚN VỀ ĐẠO ĐỨC HỌC Những ý tưởng cơ bản và tính lâu đời của chúng Các học thuyết quy phạm (normative) Sự ra đời của chủ nghĩa tự do: ví dụ của chế độ nô lệ Từ vựng và các khái niệm cơ bản của đạo đức học II. CHỦ NGHĨA TỰ DO CÔNG LỢI Một vài hiểu lầm: chủ nghĩa công lợi không phải thế! “Học thuyết công lợi” theo những người bảo vệ nó: một quan niệm duy nhất Lí thuyết công lợi về tự do Hai “nguyên lí về tự do” của John Stuart Mill Nguyên lí thứ hai của Mill Học thuyết công lợi theo Rawls Các phê phán tiêu chí công lợi III. PHÁP QUYỀN TỰ NHIÊN VÀ CHỦ NGHĨA TỰ DO Pháp quyền tự nhiên và lí tính con người Các “quyền con người" Lãnh địa của tự do Phê phán học thuyết quyền con người Vài ví dụ áp dụng hai học thuyết đạo đức IV. CHỦ NGHĨA TỰ DO CỰC ĐOAN Thuyết nhất nguyên hay tính độc nhất của tiêu chí đạo đức tối thượng “Tự do” như là tiêu chí đạo đức tối hậu Pháp quyền tự nhiên, theo các nhà tự do cực đoan Khi các nhà tự do cực đoan áp dụng nguyên lí tính hữu ích Sự hài hoà tự phát của xã hội V. PHÊ PHÁN CHỦ NGHĨA TỰ DO Phê phán của phái công lợi đối với chủ nghĩa tự do Các quyền mới về quyền con người chống chủ nghĩa tự do Phê phán của Keynes đối với chủ nghĩa tự do Phê phán marxist đối với chủ nghĩa tự do Kết luận BẢNG TRA CỨU Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|