Thứ Tư, 08/01/2025 12:49

Kinh tế học tổ chức

14:11:23 04/09/2012

Quyển sách mỏng trình bày một bản sơ kết phân tích kinh tế về các tổ chức, một chuyên ngành phát triển mạnh trong giai đoạn gần đây. Phụ lục của sách là bài phỏng vấn Williamson, tác giả được giải Nobel Kinh tế năm 2009, làm rõ vai trò của thị trường và tổ chức theo cách nhìn của trường phái tân thể chế.

Giới thiệu sách

Sách nhằm trả lời một số câu hỏi chính như: Đối tượng của kinh tế học tổ chức là gì? Đâu là những cơ chế phối hợp đặc trưng cho các tổ chức? Có thể vận dụng những công cụ nào để động viên nhân viên hợp tác? Các xung đột trong nội bộ được giải quyết ra sao? Tổ chức thích nghi với môi trường hoạt động bằng cách nào? Vì sao tất cả những điểm trên đưa đến việc xem xét lại nhiều kết quả của lý thuyết kinh tế thông thường? 

Sách được phát hành tháng 4/2010 và có bán tại đơn vị phát hành:
Công ty cổ phần đại lý xuất bản VNN - VNN Publishing
Số 2 ngõ 3 Vạn Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội
Tel: (84-4) 6273.1390 – Fax: (84-4)6273.1391
Email: sales@vnnpublishing.com.vn
Website: www.vnnpublishing.com.vn

 ***

Trích sách phần Dẫn nhập

Kinh tế học tổ chức dao động giữa hai quan điểm. Một bên là cách tiếp cận tổng thể, quan tâm đến toàn bộ những bố trí thể chế cho phép đảm bảo việc sản xuất và trao đổi trong một nền kinh tế thị trường. Arrow đã chọn cách nhìn này[1]. Như vậy, tổ chức bao gồm những thiết chế khác nhau có thể, từ doanh nghiệp cho đến thị trường, cho tới những phương thức “lai ghép” như các mạng hay liên minh, và kể cả Nhà nước và những cơ quan của nó. Một cách nhìn khác, hạn hẹp và phù hợp với truyền thống hơn, giới hạn ở việc phân tích tổ chức như một thực thể kinh tế riêng biệt, nghĩa là như nơi diễn ra quyết định thống nhất cuối cùng mà khuôn mẫu là doanh nghiệp. Trong trường hợp này, điều chủ yếu được chú ý là những bố trí nội bộ cấu thành các thực thể trên và trang bị cho chúng một bản sắc, nhưng không vì thế mà quên đi những tương tác giữa chúng với nhau. Quan điểm sau được lồng trong quan điểm đầu: cả hai không phải là không tương thích với nhau nhưng có những điểm nhấn khác nhau, dẫn đến việc xác định lĩnh vực điều tra có quy mô khác nhau. Quyển sách này chủ yếu tập trung phân tích các tổ chức hiểu theo nghĩa hẹp (về một cách tiếp cận tổng quát hơn, xem Ménard.

Kể từ lần xuất bản đầu tiên quyển sách này, việc phân tích các thực thể trên đã có những phát triển to lớn. Tuy thế, cách tiếp cận vẫn giữ được tính mới mẻ trong chừng mực mà đối tượng của nó còn thiết kế những khái niệm và phương pháp không ngừng tiến triển. Tính đổi mới này không có nghĩa rằng chuyên ngành này phủ nhận quá khứ. Kinh tế học tổ chức không quên những công trình, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế vi mô, của các thế hệ nhà nghiên cứu và một nhánh quan trọng của các nghiên cứu gần đây vẫn lấy cảm hứng từ đó. Nhưng kinh tế học tổ chức ưu tiên cho một số vấn đề mà quá nhiều nhà kinh tế tiếp tục không biết đến, ví dụ như bản chất của những quan hệ thứ bậc và quan hệ của chúng với các cơ chế động viên. Để phân tích các vấn đề này kinh tế học tổ chức vận dụng những phương pháp khác nhau mà một số, chẳng hạn như các nghiên cứu tình huống, làm cho các nhà kinh tế chính thống nổi giận. Kinh tế học tổ chức không cung cấp những giải pháp mới cho những vấn đề truyền thống được các nhà kinh tế đặt ra, như việc sử dụng những nguồn lực khan hiếm, nhưng chuyên ngành tìm câu trả lời cho những câu hỏi mới, chẳng hạn vì sao trong doanh nghiệp các tác nhân từ bỏ một phần đáng kể việc tự mình ra quyết định.

[…]

  Biasach

Hình bìa 1 cuốn sách

Vài tên tuổi lớn trong lí thuyết tổ chức

Alfred Marshall (1842-1924) – Nổi tiếng nhất vì đóng góp của ông vào việc sáng lập kinh tế học vi mô, đặc biệt là phân tích về những điều kiện cân bằng của một thị trường, nhưng trong thực tế ông đã dành một phần rất quan trọng để lí thuyết hóa khái niệm tổ chức.

Max Weber (1864-1920) - Kinh tế gia và triết gia chuyển sang xã hội học. Các phân tích của ông về đạo đức của chủ nghĩa tư bản và hệ thống quan liêu mà vai trò tích cực được ông nhấn mạnh vẫn là những công trình tham chiếu bắt buộc trong xã hội học tổ chức.

Frank Knight (1885-1967) - Là tác giả lúc còn rất trẻ của một luận án về kinh tế học rủi ro và bất trắc, một tác phẩm đến nay vẫn còn là tài liệu tham chiếu, ông phát triển một quan niệm về tổ chức như một hệ thống bảo hiểm dựa trên việc tương tế hóa các rủi ro.

Herbert Simon (1916-2001) - Giải Nobel, được đào tạo trong câu lạc bộ những lí thuyết gia về kinh tế (ông từng là thành viên của Quỹ Cowles lừng danh) nhưng quan tâm đến việc duy trì tính chất thực nghiệm của bộ môn, ông có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành của kinh tế học tổ chức, bằng rất nhiều công trình cũng như bằng công việc giảng dạy ở Đại học Carnegie-Mellon.

Ronald Coase (sinh năm 1910) - Giải Nobel Kinh tế, là tác giả nổi bật nhất của thế kỉ XX về lí thuyết tổ chức và cả ngoài chuyên ngành này nữa. Năm 27 tuổi, ông công bố một bài viết [1937] làm nền tảng cho quan niệm đương đại về doanh nghiệp và việc phân định giữa tự làm lấy hay giao tổ chức khác làm. Một bài viết thứ hai [1960] phát triển khái niệm “chi phí giao dịch” và mở đầu cho một chương trình nghiên cứu hiện vẫn đang còn phát triển.

James March (sinh năm 1928) - Thường được nhớ đến vì sự cộng tác với Simon qua quyển sách Organizations viết chung [1958], một tác phẩm tham chiếu không thể né tránh, ông cũng là một lí thuyết gia chính về việc ra quyết định trong các tổ chức. Những luận điểm táo bạo của ông về doanh nghiệp khiến ông có một ảnh hưởng đặc biệt lớn trong khoa học quản trị.

Kenneth Arrow (sinh năm 1921) - Ngoài đóng góp của ông cho các mô hình cân bằng chung, những suy tưởng sâu sắc của tác giả được giải Nobel này về các lựa chọn tập thể, vai trò của sản phẩm công cộng, những giới hạn của mô hình cạnh tranh thuần túy dẫn ông đến việc xác định vào năm 1974 một chương trình nghiên cứu thật sự về kinh tế học tổ chức.

Oliver Williamson (sinh năm 1932) - Các đóng góp của ông đánh dấu một bước ngoặt. Ông tiếp nối Coase bằng cách hình thức hóa nghiên cứu sự phân định giữa thị trường và tổ chức, mở rộng phân tích sang các hình thái bố trí trung gian, mở đường cho lí thuyết hợp đồng và hợp nhất các đóng góp của Arrow, Chandler và Simon trong khuôn khổ một cách tiếp cận đặt cơ sở trên các chi phí giao dịch.

[…]

Các chương sau đây ưu tiên cho một cách trình bày đặt trọng tâm vào các vấn đề hơn là vào các trường phái. Chương I, phát triển những khái niệm nhằm vạch đường biên của lĩnh vực nghiên cứu và giới thiệu một định nghĩa về tổ chức, định nghĩa này sau đó được làm cho phong phú thêm. Chương này nhấn mạnh tính phức tạp của một nền kinh tế thị trường và tính đa dạng của những bố trí thể chế cấu thành nền kinh tế này. Sau khi nhận diện những hình thái chính của các bố trí trên, chương này kết thúc với việc bàn luận một vấn đề được các nhà kinh tế quan tâm nhiều, tức là lí do tồn tại của các tổ chức và những lực thúc đẩy một tổ chức tự tiến hành hoạt động của mình thay vì giao cho một tổ chức khác đảm đương.

Chương II, phát triển một điểm mấu chốt, đó là vấn đề tổ chức như là phương thức phối hợp. Ba thiết chế được đặc biệt chú ý: hệ thống thông tin, một hệ thống biến tổ chức thành nơi có sự truyền thông; các chức năng điều khiển biến tổ chức thành nơi ra quyết định có những đặc tính vô cùng đặc biệt; những quan hệ hợp đồng biến tổ chức thành nơi diễn ra các cuộc thương thảo. Nằm đằng sau các thiết chế này là sự phân bổ các quyền ra quyết định.

Chương III, xem xét những cơ chế được thiết lập nhằm khuyến khích các tác nhân hợp tác và đảm bảo một tính chặt chẽ nội tại, ít ra là tương đối, của những lựa chọn và hành động của các tác nhân. Hiển nhiên là ở đây các biện pháp động viên giữ vị trí trung tâm. Nhưng một bài học quan trọng của kinh tế học tổ chức là việc chứng minh những hiệu ứng không được chờ đợi của các biện pháp động viên mang tính thuần túy tiền tệ. Các biện pháp này thuộc về vấn đề điều hành và viện đến những động cơ phức tạp, và huy động những giá trị riêng mà lí thuyết cũng phải tính đến.

Một cách tự nhiên, những nhận định trên dẫn đến chủ đề của Chương IV, một chương dành cho những cấu trúc làm chỗ dựa cho những thiết chế phối hợp và động viên, và cho những nhân tố dẫn đến việc thay đổi các cấu trúc này. Chúng tôi thử chỉ ra sự cần thiết phải vượt qua những cấu trúc hình thức mà ta không thể xem nhẹ tầm quan trọng, để tính đến những cấu trúc vi mô làm cho tổ chức trở thành sinh động. Hơn nữa, các cấu trúc này không cố định. Chúng tiến hóa do sự kết hợp của những lực bên trong các tổ chức, chẳng hạn những cuộc xung đột giữa các bên khác nhau, và những áp lực của môi trường. Điều này cho phép kết nối kinh tế học tổ chức với, một mặt, phân tích cấu trúc thị trường và, mặt khác, với việc phân tích các thể chế trong đó các tổ chức được lồng ghép.

Đứng trước sự đa dạng của các cách tiếp cận và sự tăng trưởng theo hàm mũ của các công trình về những vấn đề trên, chúng tôi buộc phải có những lựa chọn khắc nghiệt. Lựa chọn đầu tiên là do chính ngay mục tiêu của quyển sách ấn định. Ví dụ, nhiều phát triển trong kinh tế học thông tin hay trong lí thuyết động viên vượt quá khuôn khổ của các tổ chức. Trong quyển sách này, chỉ được giữ lại những yếu tố xác đáng trong hai chuyên ngành trên để hiểu các tổ chức. Một lựa chọn thứ hai, còn tinh tế hơn nữa, liên quan đến quan điểm lí thuyết. Hiện nay có nhiều giải thích khác nhau, và thường cạnh tranh nhau, để tính đến sự tồn tại và những đặc trưng của các tổ chức. Phân tích sau đây chủ yếu dựa trên kinh tế học về các chi phí giao dịch và, ở một mức độ ít hơn, trên lí thuyết người ủy quyền-người đại diện. Nhiều cách tiếp cận khác, chẳng hạn như lí thuyết tiến hóa dành một vai trò quan trọng cho các năng lực, có những phát triển đáng được đề cập rộng hơn những gì được trình bày trong sách này. Các lựa chọn của chúng tôi nhằm đi vào điều thiết yếu: trong hiện trạng hiểu biết của chúng ta, những lí thuyết được ưu tiên ở đây tương ứng với những đóng góp có ý nghĩa nhất của những nghiên cứu gần đây. Cuối cùng ở cấp độ thư mục, chúng tôi cũng tập trung vào những phân tích có ý nghĩa nhất.

 


[1] Các tham chiếu trong [ ] được tập hợp trong thư mục ở cuối sách. 

Mục lục sách

Dẫn nhập         

Sự kháng cự mãnh liệt       

Một trình bày có chọn lọc  

Chương I - Lĩnh vực, bản chất và sự tồn tại của tổ chức           

Tổ chức, một bộ phận của một toàn cảnh phức hợp           

Tính đa dạng của những phương thức tổ chức        

Sự tồn tại của các tổ chức 

Chương II - Tổ chức như phương thức phối hợp

Tổ chức, nơi trao đổi thông tin       

Tổ chức, như là không gian điều khiển       

Tổ chức, nơi thương thảo   82

Chương III - Động viên, hợp tác và tính chặt chẽ nội tại

Những biện pháp động viên bằng tiền        

Biện pháp động viên bằng biện pháp tổ chức         

Tính cố kết bằng những giá trị riêng

Chương IV - Cấu trúc và sự biến đổi

Những tiêu chí phân loại    

Kiến trúc các tổ chức        

Bản chất của thay đổi tổ chức        

Đổi mới tổ chức và môi trường      

Kết luận: Một chương trình nghiên cứu năng động         

Thư mục tham khảo     

Phụ lục: Williamson và kinh tế học thể chế mới 


Tài liệu liên quan
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image