Thứ Bảy, 23/11/2024 03:18

Tự do – quyền năng của cuộc sống thị trường

10:05:36 12/03/2013
[SGTT.VN-08/05/2012-TS Nguyễn Đức Thành] Sinh năm 1977, là thành viên trẻ nhất trong nhóm chuyên gia kinh tế cấp cao của Chính phủ, báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 “Từ bình ổn vĩ mô đến cải cách cơ cấu” mà anh là đồng tác giả đã đưa ra những đề xuất cụ thể thúc đẩy cải cách nền kinh tế một cách mạnh mẽ, quyết tâm hướng đến một nền kinh tế thị trường đích thực.

[SGTT.VN-08/05/2012-TS Nguyễn Đức Thành]

Sinh năm 1977, là thành viên trẻ nhất trong nhóm chuyên gia kinh tế cấp cao của Chính phủ, báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 “Từ bình ổn vĩ mô đến cải cách cơ cấu” mà anh là đồng tác giả đã đưa ra những đề xuất cụ thể thúc đẩy cải cách nền kinh tế một cách mạnh mẽ, quyết tâm hướng đến một nền kinh tế thị trường đích thực.


1999: tốt nghiệp đại học Kinh tế quốc dân chuyên ngành tài chính, ngân hàng. 2001: hoàn thành chương trình cao học kinh tế phát triển liên kết giữa Việt Nam và Hà Lan. 2007: nghiên cứu viên cao cấp nhóm Tư vấn chính sách – bộ Tài chính. 2008: nhận bằng tiến sĩ kinh tế phát triển tại viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS). Lĩnh vực nghiên cứu: lý thuyết kinh tế vĩ mô, kinh tế phát triển, kinh tế học về chảy máu chất xám và dịch chuyển lao động, mô hình cân bằng tổng thể. Giảng viên môn lý thuyết kinh tế và kinh tế vĩ mô tại đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) và đại học Kinh tế quốc dân. Thành viên hiệp hội Kinh tế Đông Á (EAEA)

Nghiên cứu sâu về chủ nghĩa tự do (kinh tế) theo hướng kinh tế học, kết hợp với những trải nghiệm của chính mình về một đất nước đang chuyển mình, anh chiêm nghiệm được điều gì?

Lịch sử tiến hoá lâu dài của loài người ở khắp mọi nơi đều đi theo chiều hướng làm cho sự tự chủ động trong đời sống mỗi cá thể ngày càng dễ dàng và khả thi hơn. Rõ ràng trong sâu thẳm cá thể mỗi con người, dù ở bất cứ thời đại nào, đều mong muốn đạt được sự tự do cá nhân, mà chúng ta có thể nhận thấy thông qua sự biểu hiện đa dạng của triết học, tôn giáo, nghệ thuật hay văn hoá dân gian.

Tôi nghĩ tiến trình phát triển và hiện đại hoá của Việt Nam cũng không nằm ngoài khuynh hướng chung này. Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều điểm cá biệt của một nước nhỏ, chịu ảnh hưởng, có lúc mềm mại có khi bạo tàn, từ những nền văn hoá lớn khác, nên tiến trình tự do hoá đôi khi lại đi theo đường vòng. Ý tôi là, người Việt vốn xuất phát từ một dân tộc rất tôn trọng tự do cá nhân, và có một đời sống vật chất cũng như tâm hồn rất phóng khoáng, nhưng trong quá trình tồn tại đã bị áp đặt nhiều tư tưởng từ bên ngoài khiến sự tự do bị đẩy sâu xuống phía dưới, đôi khi ra khỏi đời sống chính thức của họ (nhưng không bao giờ mất đi), và họ buộc phải sống trong một thế giới với nhiều định kiến, ràng buộc, trong tâm lý cũng như trong cách tổ chức xã hội. Chẳng hạn ý thức hệ Nho giáo và gần đây là hệ quan điểm chủ nghĩa xã hội thô sơ về kế hoạch hoá tập trung, đều là những áp đặt mới, tương đối xa lạ với người Việt chúng ta. Đặc điểm của những hệ thống này là có khuynh hướng thủ tiêu tự do cá nhân, đề cao một nhà nước bao bọc toàn bộ cuộc sống cho các cá thể. Bây giờ nhờ kinh tế thị trường, những nền tảng của sự tự do này đang dần được bồi đắp lại. Nhưng cái tư duy dựa dẫm vào nhà nước, tập thể luôn còn ở khắp nơi. Thêm vào đó, khi kinh tế thị trường và tư duy nhà nước còn đang lẫn lộn vào nhau, các giá trị cũng chưa được thiết lập dứt khoát hoặc hiểu cho đúng, dẫn đến nhiều bất cập từ hành vi đạo đức tới hoạt động kinh tế và quyền tài sản, nhiều điều nhức nhối trong xã hội.

Khi quá đề cao cái tôi, quyền của cá nhân, quyền tư hữu tài sản, thị trường tự do trao đổi và tất cả những hệ quả của nó… con người liệu có đánh mất lòng vị tha?

Tôi nghĩ rằng quyền của cá nhân, mà một biểu hiện mang tính nền tảng là quyền tư hữu tài sản và quyền tự do trao đổi, là cơ sở để cho phép con người có điều kiện vật chất nhằm nuôi dưỡng một tâm hồn lương thiện. Đó hẳn là điều kiện để mỗi cá nhân trưởng thành có được một không gian riêng nhằm tự suy nghiệm về bản thân, và lắng nghe những rung động thực sự trong lòng mình, là cái “lương tri” mà triết gia Vương Dương Minh ngày xưa hay nhắc tới. Khi nghe theo những rung động trong lòng mình, người ta mới hành động vị tha một cách dứt khoát được, nếu không chỉ là hành động theo hình thức, để đẹp lòng tập thể nhằm mưu cầu một việc khác. Tôi tin chắc xã hội càng thịnh vượng và tự do thì phần đông con người sẽ càng tốt đẹp hơn. Như một số nhà tư tưởng đã chỉ ra, thị trường tự do tạo ra “bàn tay vô hình” để dẫn dắt hành động những con người duy lý và vị kỷ thực hiện những hành động vị tha và hữu ích cho cộng đồng, thì cũng chính thị trường đó, khi tạo dựng được cơ sở vật chất ổn định cho các cá nhân, sẽ tạo ra “trái tim vô hình” để dẫn dắt con người sống cuộc sống biết thương xót và vị tha, nhằm thoả mãn cái “lương tri” sâu thẳm trong họ. Nhưng nếu chúng ta thất bại trong việc tạo ra một đời sống kinh tế thịnh vượng và ổn định về các quyền căn bản của cá nhân, thì “lương tri” ấy sẽ luôn bị che lấp bởi cái hỗn độn hàng ngày của một xã hội mất trật tự và bản năng tự vệ phải căng ra nơi mỗi cá nhân.

Trong giai đoạn những bất cập từ chính sách vĩ mô đã làm tổn thương sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, làm thế nào để có một đội ngũ chuyên gia đủ mạnh có thể tư vấn hữu ích cho Chính phủ? Từ kinh nghiệm của nhóm chuyên gia Thứ Sáu, anh nhìn nhận thế nào về tinh thần lắng nghe của người làm chính sách?


Tôi thường nói với sinh viên trong các bài giảng về kinh tế học, rằng bản thân việc “sống tốt” là một chiến lược giao tiếp hiệu quả nhất, và việc “làm tốt” những gì hiện có đã là một cách đầu tư tốt rồi.

Các chuyên gia có vai trò rất quan trọng, theo đúng nghĩa của từ “chuyên gia”, chứ không như cách dùng rất dễ dãi hiện nay. Dù về trình độ chuyên môn có nhiều mức rất khó bàn, nhưng tôi thấy điều quan trọng một chuyên gia cần có là phương pháp luận nhất quán, tiếp cận vấn đề một cách khoa học và không bị chi phối bởi các động cơ cá nhân như chính trị hay quyền lực. Các chuyên gia tư vấn cho Chính phủ thì cần có thái độ và tinh thần độc lập với Chính phủ, đơn giản là để cho công việc của họ hiệu quả hơn. Hiện nay tôi thấy điều kiện để các chuyên gia, dù là đơn lẻ, gây ảnh hưởng tới xã hội là khá lớn, nhờ có bộ máy khuếch đại của truyền thông. Tuy nhiên, đích hướng tới của các chuyên gia là các nhà thực thi chính sách. Vì thế, thái độ của người làm chính sách là rất quan trọng, và có ảnh hưởng qua lại tới các chuyên gia. Nếu người làm chính sách bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, thì rõ ràng họ không muốn lắng nghe, thậm chí coi chuyên gia chỉ là kẻ phá bĩnh.

Nhóm Thứ Sáu quả là trường hợp hiếm có trong lịch sử, khi có sự mong muốn lắng nghe thực sự với quyết tâm hành động quyết liệt của người thực thi chính sách. Bài học của nhóm Thứ Sáu cho thấy khía cạnh cầu thị của người nghe rõ ràng rất quan trọng, vì nó tạo cảm hứng nhiều hơn nữa cho các chuyên gia và họ càng đóng góp được nhiều hơn. Một số thành viên trong nhóm Thứ Sáu có nói với tôi rằng, trong khi tình hình đất nước chuyển biến rất nhanh, họ phải vừa làm vừa học hỏi, và đưa ra những gợi ý tư vấn tốt nhất trong khả năng đó. Điều ấy cho thấy lúc đó chuyên môn hay sự bài bản chưa chắc đã quan trọng bậc nhất, mà chính là nhiệt huyết với một tinh thần chung vì đất nước. Tuy nhiên, tôi phải lưu ý rằng, việc như thế sẽ khó áp dụng và cũng không nên áp dụng trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, khi sự phát triển của xã hội và thị trường đã rất đa dạng và phong phú. Số lượng chuyên gia trong các ngành, các lĩnh vực đã đông đảo hơn nhiều. Vì thế, đây là lúc cần tạo ra cơ chế xã hội để các chuyên gia hoặc nhóm chuyên gia độc lập được phát huy ảnh hưởng, và sự đúng sai hay mức độ chính xác của họ được thẩm định thông qua chính cơ chế cạnh tranh trong lĩnh vực tư tưởng, quan điểm. Người làm chính sách cần biết lắng nghe và gạn lọc, tránh bị che khuất bởi những lợi ích nhóm mà họ rất dễ bị trói buộc vào.

Anh từng viết: “Từ khi bận quản lý, đời sống tinh thần như sa mạc…” Công việc bận rộn có làm anh mất đi niềm vui bình thường của một người hay chiêm nghiệm về hạnh phúc, chiêm nghiệm về sự tĩnh lặng?

Khi bắt đầu gây dựng cơ quan nghiên cứu và trực tiếp quản lý công việc hàng ngày, sự bận rộn quá mức đã khiến tôi choáng váng. Bởi vì tôi chợt thấy mình không còn những khoảng thời gian tĩnh lặng trong ngày để suy nghĩ nhẩn nha hay thưởng thức một cái gì đó. Tôi cảm thấy đời sống khô cằn như sa mạc, và e sợ nó sẽ kéo dài mãi như thế. Lúc đó tôi thường tự hỏi tôi có đang phải chịu một cái giá quá đắt không. Nhưng sau một thời gian, những thứ khó khăn nhất cũng qua đi.

Tôi may mắn có một thời gian khoảng mười năm liên tục chỉ học hành, nghiên cứu, không phải mưu sinh. Quãng thời gian ấy cho tôi cơ hội tìm hiểu và chiêm nghiệm nhiều, đặc biệt là những thứ không thuộc về cuộc sống này, như những thứ đằng sau cái chết chẳng hạn. Khi tìm hiểu nhiều hơn về những thứ ở bên kia cuộc sống, mới thấy cuộc sống này thật đẹp và quý giá. Tôi nghĩ đây cũng chính là phương pháp sư phạm của Đức Phật, sau khi được biết còn nhiều thế giới khác, ta biết trân quý thế giới này hơn. Khi ta hiểu quá khứ và vị lai, mới thấy việc trân trọng hiện thực là điều thực tiễn nhất.


Thái độ của người làm chính sách là rất quan trọng, và có ảnh hưởng qua lại tới các chuyên gia. Nếu người làm chính sách bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, thì rõ ràng họ không muốn lắng nghe, thậm chí coi chuyên gia chỉ là kẻ phá bĩnh.

Nếu cứ lao theo cuộc sống bận rộn hàng ngày vì một tương lai trong toan tính, tôi sợ tinh thần của chúng ta sẽ dần mệt mỏi và khô cằn. Đó dường như cũng là nguồn gốc của nhiều nỗi đắng cay và lối nhìn bi quan trong cuộc sống, và có thể là một phần nguyên nhân khiến xã hội hiện đại khủng hoảng chăng?

Phải chăng đôi lúc quá cô đơn, anh đã phải làm bạn với... tiền nhân? Tiền nhân đã dạy anh điều gì về một tuổi trẻ băn khoăn?

Quả là làm bạn với tiền nhân rất thú vị, vì ta học được từ họ mỗi ngày. Họ luôn ở đó, không bỏ ta ngay cả khi ta cô đơn và mệt mỏi nhất. Chúng ta chỉ sống được trong một đời người, còn quá khứ là sự tích luỹ của rất nhiều thế hệ, số người để ta có thể làm bạn hẳn đông và phong phú hơn. Theo thời gian, có nhiều trải nghiệm sống, tôi lại thấy hiểu họ nhiều hơn, và được họ dạy thêm nhiều hơn.

Tôi thấy giới trẻ hôm nay ngày càng có nhiều điều kiện trong cuộc sống vật chất, và đó hẳn là một điều kiện cần để họ đạt được nhiều niềm vui và nâng cao chất lượng cuộc sống hơn các thế hệ trước. Thế hệ trước đã vất vả nhiều trong một xã hội bị bóp méo đến mức những thế hệ sau khó tưởng tượng nổi. Có thể còn khá nhiều người trẻ vẫn còn đi theo cách thức sống của thế hệ cũ mà họ không tự biết, và vẫn tự cho là thành công. Nhưng tôi thấy số đông người trẻ tiếp nhận cuộc sống thị trường thực sự đang sống nhiều lý trí hơn, nhưng cũng vị tha hơn. Có nhiều người dường như bi quan về giới trẻ hiện nay, và hoài niệm những giá trị của các thế hệ cũ. Nhưng tôi có cảm giác chúng ta hay so sánh mảng tối của thế hệ trẻ hiện nay với mảng sáng của thế hệ cũ. Còn mảng tối của những thế hệ cũ thì sao? Nó có mênh mông và đáng sợ không? Còn mảng sáng của thế hệ trẻ hiện nay thì sao? Nó có mạnh mẽ và đáng tự hào không? Tôi nghĩ yếu tố quyết định là ở chỗ ta đứng nhìn. Tôi tin rằng giới trẻ hôm nay hồn nhiên và mạnh mẽ, đang đưa Việt Nam trở lại một quỹ đạo gần với cái bình thường hơn bao giờ hết.

Đi tìm lời giải cho những nút thắt ngặt nghèo trong đời sống kinh tế và xã hội, điều gì đã giúp anh đưa ra những gợi mở xuất phát từ tấm lòng và thái độ trách nhiệm với cuộc sống?

Tôi chỉ có thể chia sẻ những gì tôi tin, tôi trân quý với những người xung quanh, đặc biệt là các bạn sinh viên hoặc các đồng nghiệp trẻ. Tôi thường chia sẻ niềm tin của tôi với họ về sức mạnh của niềm tin và tình yêu, về tính ưu việt của lý trí và những bài học của lịch sử. Chỉ có như vậy. Nhưng quả là khi quan sát một cách kỹ lưỡng và cố gắng bóc tách những gì quan sát được, chủ yếu qua sinh viên và học viên của tôi, tôi thấy con người ta thực sự có khuynh hướng yêu thích những tri thức mới, có giá trị đích thực với thế giới xung quanh họ. Điều này hẳn là một thứ rất gần với bản chất hướng tới Chân – Thiện – Mỹ của mỗi con người, mà các triết gia hay lãnh tụ tôn giáo thường khẳng định. Đó là chưa kể, việc hành xử một cách “thiện” và “trung thực”, tự nó là một cách giao tiếp tốt, vì người đang giao tiếp với ta thường nhận ra điều này rất nhanh, dù có thừa nhận hay không. Tôi thường nói với các sinh viên trong các bài giảng về kinh tế học, rằng bản thân việc “sống tốt” là một chiến lược giao tiếp hiệu quả nhất, và việc “làm tốt” những gì hiện có đã là một cách đầu tư tốt rồi.

Nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại Epicurus 2.400 năm trước đã dặn là nên luôn có trong nhà một khóm hoa tươi, một cuốn sách mới và một chai rượu chát. Tôi đã thực hiện gần đúng như lời ông ấy dặn, và dần dần thấy sau mỗi đêm thức dậy, là một ngày bừng sáng.

Tôi thấy hữu ích là nếu chúng ta thử trồng một chậu hoa nhỏ, đặt nó bên cửa sổ, chăm sóc và theo dõi mỗi ngày. Tự nó sẽ cho ta thấy sự hân hoan và hồn nhiên trong tĩnh lặng. Sáng nào nó cũng đón ánh sáng của ngày mới với tất cả vẻ đẹp của nó, dù là khiêm nhường hay rực rỡ, như thể chỉ có một ngày đó thôi. Nó không ghen tị với những gì không phải là nó, và không suy tính, sợ hãi vì một ngày kia sẽ khô héo. Vì sao ta không thử chọn sống như vậy?

THỰC HIỆN: KIM YẾN
CHÂN DUNG HỘI HOẠ: HOÀNG TƯỜNG

SGTT.VN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image