[sgtt.vn - 27/02/2012 - Phạm Thế Anh]
(SGTT.VN) - LTS: Khó khăn về thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang là lực
cản của mục tiêu giảm lãi suất cho vay. Đó là vấn đề phải được giải
quyết trên lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần chẩn đoán đúng
nguyên nhân của căn bệnh này mới mong có giải pháp dứt điểm thay vì chỉ
mang tính sự vụ - bằng cách bơm tiền ra cứu chữa chứa đựng rủi ro bùng
phát lạm phát, hoặc áp trần lãi suất huy động cưỡng bức người gửi tiền
chia sẻ chi phí tái cấu trúc các khoản nợ cùng với ngân hàng.
Bản chất của vấn đề thanh khoản là… nợ xấu
Hợp
nhất để thành một ngân hàng hoạt động vững mạnh, minh bạch, đó mới là
cái đích tái cơ cấu mà ngân hàng Nhà nước mong muốn. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Trước tiên, cần làm rõ bản chất của vấn đề thanh khoản
mà các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng thương mại nhỏ, hiện
đang gặp phải. Thực tế thời gian qua cho thấy nguyên nhân chủ yếu của nó
không phải là sự chênh lệch tạm thời giữa kỳ hạn cho vay và kỳ hạn huy
động trong hoạt động kinh doanh, mà thực chất là do nợ xấu không thu hồi
được của các ngân hàng này. Do vậy, chúng ta cần gọi đúng tên của vấn
đề đó là nợ xấu chứ không phải là thanh khoản. Các khoản nợ xấu này chủ
yếu nằm ở lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực sản xuất có liên quan do
sức cầu ở các thị trường này suy giảm mạnh trong hơn một năm qua. Theo
tính toán của ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì chỉ riêng tổng dư nợ bất
động sản là xấp xỉ 200.000 tỉ đồng vào cuối năm 2011. Các khoản nợ này,
nếu không thanh toán được, sẽ ngày càng phình to với tốc độ tăng bằng
với mức lãi suất trên dưới 20%/năm.
Với các khoản cho vay thuộc lĩnh vực bất động sản, sản
xuất vật liệu xây dựng và cả chứng khoán thì các ngân hàng thương mại
hầu như chưa thu hồi được do các thị trường này sụt giảm mạnh cả về giá
lẫn giao dịch. Mỗi khi các khoản huy động đáo hạn, các ngân hàng thương
mại lại lâm vào tình trạng “đói” thanh khoản và sẵn sàng lao vào cuộc
chạy đua lãi suất gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ. Do vậy, vấn đề
thanh khoản sẽ không thể được giải quyết triệt để bằng cách tạm thời bơm
tiền qua thị trường mở hay qua cửa sổ tái cấp vốn/tái chiết khấu của
NHNN. Hơn nữa, trong điều kiện lạm phát những tháng đầu năm còn cao, dư
âm lạm phát của những năm trước chưa mờ nhạt, nếu bơm tiền lâu dài cứu
thanh khoản có thể khiến nền kinh tế quay trở lại vòng xoáy lạm phát một
lần nữa.
Giải pháp triệt để đối với vấn đề thanh khoản hiện nay
phải là những biện pháp xử lý nợ xấu đi kèm với quá trình tái cấu trúc
hệ thống ngân hàng thương mại và thay đổi một số công cụ chính sách.
Giải pháp đơn giản thứ nhất là gỡ bỏ trần lãi suất huy
động. Việc làm này sẽ giúp các ngân hàng thương mại có thể huy động được
các khoản tiền gửi mới từ công chúng, chứ không chỉ là các khoản tiền
gửi chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Thực tế thời gian qua đã
cho thấy không thể ép các ngân hàng thương mại tuân thủ trần lãi suất
trong điều kiện họ thiếu thanh khoản. Với xu hướng giảm dần của lạm phát
(so với cùng kỳ) và các ngân hàng thương mại đang tự nguyện cắt giảm
lãi suất huy động như hiện nay, việc gỡ bỏ quy định trần này sẽ không
gây xáo trộn gì nhiều trên thị trường tiền tệ.
Thứ hai, cùng với việc gỡ bỏ trần lãi suất thì việc
phát triển và thực hiện các hợp đồng tín dụng với lãi suất điều chỉnh
theo lạm phát nhằm đảm bảo lãi suất thực dương sẽ giúp làm tăng các hợp
đồng tín dụng dài hạn, và từ đó giảm bớt căng thẳng thanh khoản. Tuy
nhiên, vì sự thiếu hụt thanh khoản hiện nay là do nợ xấu và xảy ra trên
toàn hệ thống, nên chỉ riêng những biện pháp này là không đủ. Giải pháp
mấu chốt ở đây phải là đẩy nhanh quá trình thu hồi, cơ cấu lại, bán các
khoản nợ quá hạn và giải chấp các tài sản đảm bảo cho các tổ chức tài
chính có tiềm lực, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài nhằm huy động
nguồn lực. Quá trình này có thể mất nhiều thời gian và trong quá trình
thực hiện nhiều ngân hàng yếu có thể mất khả năng thanh toán. Để tránh
sự đổ vỡ và tháo chạy dây chuyền thì quá trình mua/bán sáp nhập giữa các
ngân hàng cần phải được thực hiện nhanh với sự giám sát, và nếu cần
thiết là cả sự bảo trợ, của NHNN.
TS Phạm Thế Anh
Viện Chính sách công và quản lý (IPPM)
|