Phóng
viên Báo Điện tử Tổ Quốc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám
đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) về vấn đề này.
TS Nguyễn Đức Thành: "Lợi ích nhóm hay tư duy nhiệm kỳ không hẳn lúc nào cũng xấu" (Ảnh: Q.Anh)
P/V: Nhiều
quan điểm cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới hạn chế trong
tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công là do tư duy nhiệm kỳ,
lợi ích nhóm…Xin ông cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này?
TS Nguyễn Đức Thành: Bản
chất mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu
tư công và từ đây lan tỏa sang đầu tư tư nhân cũng như các ảnh hưởng
khác…
Khách
quan mà nói khi nó đang chạy trên cỗ máy như vậy mà bị thu hẹp lại thì
chắc chắn sẽ có vấn đề. Khi đó các doanh nghiệp liên quan sẽ bị ảnh
hưởng. Hơn nữa, đây lại là nguyên nhân chính của tăng trưởng nên khi bị
giảm thì tăng trưởng cũng sẽ giảm. Khi đó các địa phương sẽ bị ảnh hưởng về mặt thành tích tăng trưởng và cũng chính vì thế họ không muốn làm.
Còn
về chủ quan, điều dễ dàng nhận thấy là sự thay đổi cơ cấu đầu tư với
trọng tâm là đầu tư công sẽ ảnh hưởng đến lợi ích nhóm, đến tư duy nhiệm
kỳ….
Theo
tôi, lợi ích nhóm hay tư duy nhiệm kỳ không hẳn lúc nào cũng xấu. Nếu
lợi ích nhóm mà kéo theo được lợi ích của cả xã hội thì rất tốt. Lợi ích
nhóm chỉ xấu khi nó làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhóm đông nào đó hoặc
ảnh hưởng đến lợi ích của xã hội.
Chẳng
hạn, có nhiều nhóm liên quan đến đầu tư và chi tiêu công và những nhóm
này có mối quan hệ rất chặt chẽ với chính quyền địa phương. Trong khi
đó, đi kèm với chính quyền địa phương lại là quyền lực chi tiêu. Khi chi
tiêu bị cắt giảm thì quyền lực sẽ cảm thấy bị bó hẹp. Mà quyền lực lại
liên quan đến tư duy nhiệm kỳ.
Thực
tế, tư duy nhiệm kỳ cũng chỉ là những ràng buộc về thời gian của những
người có chức quyền trong nhiệm kỳ nào đó. Họ sẽ cố để thực hiện dự án
trong thời gian nhiệm kỳ để đạt được lợi ích của họ. Vậy nên suy cho
cùng, tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau,
có mục đích là làm lợi cho nhóm cá nhân nào đó.
P/V: Vậy đâu là môi trường để tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm phát triển, thưa ông?
TS Nguyễn Đức Thành:
Đó là sự phân cấp. Phân cấp xuất phát từ mục tiêu là nhằm quản lý nguồn
lực hiệu quả hơn, để địa phương phát triển hơn bởi nếu cái gì cũng để
Trung ương quản lý thì rất khó hiệu quả.
Bản
chất của phân cấp cũng không phải là xấu, tuy nhiên mặt trái của nó là
tạo ra vùng lợi ích tương đối rõ ràng ở từng địa phương và tạo ra sự cản
trở.
P/V: Vậy có nên thu hồi sự phân cấp?
TS Nguyễn Đức Thành: Cá nhân tôi không ủng hộ thu hồi sự phân cấp. Bởi nếu như vậy thì lại tập trung về Trung ương và lại sẽ tạo ra khó khăn khác.
Công khai trên website
P/V: Thực
tế rất khó cắt giảm đầu tư công theo những tiêu chí chung chung và để
đơn vị tự rà soát cắt giảm thì rất khó thực hiện. Theo ông có cần sự can
thiệp của cơ quan bên ngoài không?
TS Nguyễn Đức Thành: Tại
bối cảnh này là rất khó bởi trong điều kiện thể chế và môi trường của
Việt Nam, nếu chúng ta thực hiện điều đó thì rất dễ “tránh vỏ dưa gặp vỏ
dừa”. Nếu thành lập những cơ quan cấp trên để kiểm soát thì ai bảo đảm
là những cơ quan đó sẽ minh bạch, công khai, công bằng và có trách nhiệm
giải trình? Đó là còn chưa nói đến việc nếu “đẻ” thêm một cơ quan lại
sẽ tiêu tốn thêm nguồn lực. Đó là vấn đề cần phải đặt câu hỏi. Tuy
nhiên, không có nghĩa là không làm.
Nếu
làm thì phải đặt mục tiêu nghiêm túc với quyết tâm chính trị cao. Điều
này phụ thuộc vào ý thức của những người làm chính sách.
P/V: Liệu có cần đến tiếng nói của truyền thông không, thưa ông?
TS Nguyễn Đức Thành: Theo
tôi, cần phải xây dựng một hệ thống dân sự thật tốt, có sự độc lập và
bản lĩnh cũng như một môi trường hoạt động đúng nghĩa để họ có tiếng
nói. Theo đó, từ địa phương qua các kênh thông tin như báo, đài sẽ tạo
ra sức ép về mặt công luận nhằm điều chỉnh hành vi của nhóm lợi ích đó.
Tôi
muốn nhấn mạnh là sử dụng kênh truyền thông nhưng phải bắt nguồn từ các
tổ chức dân sự, có nghĩa là các tổ chức dân sự sẽ cung cấp thông tin
chính xác cho truyền thông. Khi đó truyền thông là một kênh thông tin
hoàn toàn khách quan. Tránh tình trạng công cụ thông tin bị bóp méo, làm
lợi cho nhóm lợi ích.Mặc dù vậy, ở Việt Nam cách làm này chưa phổ biến.
P/V: Bằng kinh nghiệm một chuyên gia kinh tế, ông thấy ở nước ngoài việc giám sát đầu tư công diễn ra như thế nào?
TS Nguyễn Đức Thành: Đầu tư công ở nước nào cũng phải có bởi đây là một yếu tố quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng. Ở
các nước càng phát triển thì đầu tư công càng lớn. Tuy nhiên, vấn đề
này luôn được kiểm soát bởi hệ thống rất chặt chẽ từ dưới lên như: sự
dân chủ, công luận, báo chí. Và quan trọng hơn, đầu tư công ở các quốc
gia khác luôn có sự giám sát chặt chẽ ngay từ khâu quyết định ban đầu
cho một dự án và thông tin thì luôn minh bạch thông qua sự cạnh tranh
của các nhóm lợi ích khác nhau.
Trong
khi quá trình ra quyết định ở nước ngoài rất quan trọng, rõ ràng thì ở
trong nước còn mù mờ. Ở nước ta, một người, một nhóm nhỏ có khi có thể
thao túng được một quyết định nào đó và vì trong đó có lợi ích nên họ
sẵn sàng đẩy nó đi rất xa. Chính vì thế mà đầu tư công tràn lan.
P/V: Theo
như ông nói thì nếu việc xét duyệt các dự án được thực hiện một cách
nghiêm túc ngay từ bước đầu thì đã không xảy ra đầu tư công tràn lan như
hiện nay?
TS Nguyễn Đức Thành: Vấn
đề là phải minh bạch. Ở Việt Nam, danh mục đầu tư và quy trình không
công khai. Ở các nước thì vấn đề này hoàn toàn minh bạch, công khai.
Nếu
chúng ta công khai trên website thì người dân có thể tham khảo, tính
toán…và có thể đưa ra những nhận định riêng xem nên cắt giảm ở đâu? Tuy
mỗi người một ý nhưng còn hơn tình trạng hiện nay. Tình trạng hiện nay
đang được xem như một cái “hộp đen”, chỉ các cơ quan có chức năng mới
được biết quy trình đó đang hoạt động như thế nào.
P/V: Vậy
từ những lý do trên, ông nhận định gì về việc thực hiện mục tiêu tái cơ
cấu đầu tư, trong đó tập trung cắt giảm đầu tư công mà Quốc hội đề ra?
TS Nguyễn Đức Thành: Đó là điều đương nhiên phải làm nhưng sẽ rất khó thực hiện.
Chẳng hạn, muốn cắt giảm đầu tư công thực sự thì cần phải mạnh dạn giảm thu.
Chẳng
hạn chúng ta giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22%. Đây là
hành động “một mũi tên trúng nhiều đích”. Một mặt sẽ có ích cho cắt giảm
đầu tư công, đồng thời sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và quan trọng hơn là
doanh nghiệp sẽ có động cơ cải thiện tăng trưởng kinh doanh, từ đó tạo
động lực kéo nền kinh tế trở lại./.
P/V: Cám ơn ông!
Quỳnh Anh
(Tổ Quốc)