[Thời báo Kinh tế Sài Gòn- 29/09/2011 - Nguyễn Đức Thành]
(TBKTSG) - Trong cuộc trao đổi với TBKTSG,
ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính
sách (VEPR), cho rằng để vận hành thị trường xăng dầu theo hướng cạnh
tranh, Nhà nước cần sớm cho doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân tham gia.
Ông Thành nói:
- Việc cho các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân tham gia
kinh doanh xăng dầu sẽ giúp phá thế độc quyền của các doanh nghiệp nhà
nước trong nhiều năm nay. Các doanh nghiệp nắm giữ thị phần chi phối quá
lâu là nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu bất ổn và khó kiểm soát
như hiện nay.
Nhiều thành phần tham gia kinh doanh xăng dầu thì giá sẽ được điều tiết
tốt hơn. Khi có nhiều đầu mối nhập khẩu, lượng hàng hóa sẽ ổn định hơn,
với những tính toán mang tính cạnh tranh của doanh nghiệp, giá nhập
khẩu xăng dầu sẽ gần với giá thế giới hơn, khi đó người tiêu dùng sẽ
được hưởng lợi.
TBKTSG: Theo ông, vì sao đây là thời điểm thuận lợi để mở cửa thị trường xăng dầu?
- Một thị trường cạnh tranh không có nghĩa là có nhiều doanh nghiệp
tham gia. Thực tế dù chúng ta đang có 11 đầu mối nhập khẩu xăng dầu
nhưng thị trường vẫn không có tính cạnh tranh thật sự. Các đầu mối kinh
doanh xăng dầu đang hoạt động theo một “liên kết” khá chặt chẽ, khi tăng
giá thì cùng tăng ở một mức giá và giảm thì cùng giảm là không ổn. Vì
vậy, việc mở cửa thị trường chỉ là công cụ còn mục tiêu hướng tới vẫn là
tạo ra môi trường cạnh tranh.
Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt
Nam, trong quyền kinh doanh (xuất nhập khẩu hàng hóa), Việt Nam đồng ý
cho doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài được quyền xuất nhập khẩu hàng
hóa như người Việt Nam kể từ thời điểm gia nhập, trừ đối với các mặt
hàng thuộc danh mục thương mại nhà nước như xăng dầu, thuốc lá điếu, xì
gà, băng đĩa hình, báo chí và một số mặt hàng nhạy cảm khác, chỉ cho
phép sau một thời gian chuyển đổi (như gạo và dược phẩm).
Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài sẽ không
được tự động tham gia vào hệ thống phân phối trong nước. Các cam kết về
quyền kinh doanh sẽ không ảnh hưởng đến quyền của Nhà nước trong việc
đưa ra các quy định để quản lý dịch vụ phân phối, đặc biệt đối với các
sản phẩm nhạy cảm như dược phẩm, xăng dầu, báo - tạp chí... | |
Chúng ta cần đặt vấn đề có nên tiếp tục trợ cấp cho các doanh nghiệp xăng dầu hay không?
Để tăng khả năng cạnh tranh quốc gia, chúng ta buộc phải hỗ trợ cho các
doanh nghiệp trong ngành năng lượng trong đó có điện, xăng dầu. Vấn đề
là Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn, nhưng chính sách đang áp dụng
vẫn còn nhiều bất cập.
Khi được Nhà nước bao cấp như vậy, các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu
tư ở Việt Nam đều chủ yếu muốn tận dụng những ưu đãi về giá năng lượng
để đưa vào những công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên liệu. Vì vậy
đây là thời điểm mà Nhà nước nên xem xét dừng những hỗ trợ này để giúp
nền kinh tế phát triển bền vững hơn.
Tóm lại, mở cửa thị trường, xóa bỏ bao cấp không chỉ tốt cho ngành xăng
dầu mà còn là động lực tốt cho việc phát triển và thu hút đầu tư nước
ngoài.
TBKTSG: Nhưng những đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu
thường viện cớ “đây là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm” để trì hoãn việc
mở cửa thị trường?
- Các doanh nghiệp nhà nước luôn cho rằng ngành hàng của mình giữ vị
trí quan trọng và không thể thay thế trong nền kinh tế. Điều này thể
hiện sự e dè của giới làm chính sách cũng như việc chưa bao giờ hiểu
thấu đáo sức mạnh thật sự của thị trường như là lực lượng tạo nên sức
mạnh của quốc gia thay vì sợ thị trường sẽ phá hủy cấu trúc cũ.
Tôi cho rằng điều này thuộc về tư duy của các cơ quan quản lý nhà nước.
Việc cố nắm giữ quyền lực lượng thị trường là sai lầm, bởi thực tế lực
lượng thị trường không đi ngược lại an ninh và lợi ích của quốc gia.
Mô hình mở cửa thị trường viễn thông là một ví dụ sinh động cho việc mở
cửa thị trường nhưng vẫn mang tính cạnh tranh cao. Trước khi xuất hiện
Viettel, Vinaphone và MobiFone đã thống lĩnh thị trường và giá cước viễn
thông luôn ở mức cao. Hiện tại cuộc đua về giá vẫn chưa đến hồi kết,
nhưng rõ ràng là người tiêu dùng được lợi khi các doanh nghiệp cạnh
tranh với nhau.
TBKTSG: Mở cửa thị trường, phải đi đôi với nâng cao năng
lực kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, nhằm tránh “đổ vỡ”. Nhưng
hầu như các doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến vấn đề này?
- Đây là điều cần thiết, để tồn tại trong môi trường cạnh tranh, doanh
nghiệp buộc phải nâng cao năng lực quản trị. Cụ thể, doanh nghiệp kinh
doanh xăng dầu phải có khả năng dự báo giá thế giới, điều tiết được giá
cả trong nước tiệm cận với giá thế giới. Vì vậy, mở cửa thị trường chính
là động lực để doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị. Khi còn hưởng
độc quyền, doanh nghiệp ít quan tâm đến khai thác các cơ hội kinh doanh
mà chủ yếu dựa trên lợi thế sẵn có.
Có thể các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị lỗ về mặt tài chính
nhưng không hàm ý lỗ về mặt kinh tế. Lỗ về kinh tế phải xét trên khía
cạnh một thương vụ, một mặt hàng nào đó có mang lại hiệu quả cho toàn
cục hay không? Khi doanh nghiệp không có sức ép về cạnh tranh, chắc chắn
việc nâng cao năng lực điều hành sẽ trì trệ. Và chính người dân phải
gánh chịu hậu quả từ việc kinh doanh lỗ lã của các doanh nghiệp này.
Tôi đơn cử, trong ngành xăng dầu, doanh nghiệp có thể tham gia thị
trường giao sau (futures market) để chốt giá xăng dầu vào một thời điểm
nhập khẩu để có thể bình ổn được giá xăng dầu trong nước, nếu giá tăng
cao trong tương lai. Nhưng khi xóa bỏ độc quyền, mỗi doanh nghiệp phải
tự cạnh tranh và chịu trách nhiệm với đồng vốn của mình. Khi cùng áp
dụng các nghiệp vụ phái sinh để kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải cạnh
tranh nhau, dự báo tốt hơn để nhập về những lô hàng có giá tốt ở những
thời điểm khác nhau. Đó là minh chứng rõ nét nhất cho thấy mở cửa thị
trường là điều hoàn toàn đúng đắn.
Mở cửa thị trường, ngành xăng dầu bị thao túng bởi các doanh nghiệp
nước ngoài là khả năng có thể xảy ra. Nhưng không nên vì lý do này mà
chúng ta giữ mãi sự méo mó của thị trường. Khi mở cửa, mỗi doanh nghiệp
buộc phải cạnh tranh mới có thể đo lường được năng lực mình tới đâu và
tạo động lực cho phát triển.
Lạm phát, chỉ số giá sản xuất và xăng dầu
Việc Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu giảm giá xăng dầu hồi cuối
tháng 8 không chỉ giúp giảm khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, mà còn
góp phần giảm tốc độ tăng giá tiêu dùng, tốc độ tăng của chỉ số giá sản
xuất (PPI). Từ đầu năm đến nay việc tăng chi phí đầu vào, có tác động
đẩy giá, gọi chung là chi phí đẩy, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong việc
gây lạm phát ở Việt Nam.
Theo tính toán căn cứ trên cấu trúc kinh tế từ bảng cân đối liên
ngành của Việt Nam được công bố bởi Tổng cục Thống kê, những năm gần đây
việc tăng giá các chi phí đầu vào từ đầu năm như xăng, dầu, điện, than,
vốn (lãi suất, tỷ giá)… đóng góp vào tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
khoảng trên 6% kể từ lúc các mặt hàng trên bắt đầu tăng giá. Ngoài ảnh
hưởng về giá cả, việc tăng giá này còn ảnh hưởng đến phía cung của nền
kinh tế, từ đó làm GDP theo phương pháp sản xuất giảm khoảng 2%.
Theo tính toán, nếu sau khi Bộ Tài chính kiểm tra giá xăng dầu tại
một số doanh nghiệp đầu mối mà giá xăng dầu có thể giảm 15% thì chỉ số
giá sản xuất PPI sẽ giảm 1,5%, chỉ số giá tiêu dùng giảm 1,6%. Còn nếu
giá xăng dầu giảm 20% thì các chỉ số kia giảm tương ứng là 1,9% và
2,1%. Trong trường hợp này, GDP nhìn từ phía cung có thể tăng lên gần
1%.
Như vậy, nếu sau khi kiểm tra, thực sự việc kinh doanh xăng dầu
không lỗ như các tổng công ty đã công bố thì việc giảm giá xăng dầu chắc
chắn có lợi cho hơn 87 triệu người dân và cho trên 260.000 doanh nghiệp
(theo số liệu điều tra doanh nghiệp của cơ quan thống kê) thay vì chỉ
có lợi cho 11 doanh nghiệp xăng dầu. Việc giảm giá xăng dầu sẽ phù hợp
với tinh thần của Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn
định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Một điểm nữa cần nói thêm là Bộ Công Thương cần có những tính toán
về mức độ ảnh hưởng của việc tăng hoặc giảm giá xăng dầu một cách cụ thể
và khoa học. Thiết nghĩ, như hai vị bộ trưởng Tài chính và Công Thương
đã có quan điểm thống nhất, trong một thông báo hôm 24-9, mọi người đều
nên cùng suy nghĩ và hành động vì lợi ích chung, tính toán sao cho có
lợi cho người dân, doanh nghiệp và lợi ích chống lạm phát, ổn định kinh
tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.
Thái Trinh | |
Thời báo Kinh tế Sài Gòn |