"Giải phóng" thị trường vàng cần đặt lên hàng đầu chứ không phải "kiểm soát" nó. Ảnh: L.Q.N
Theo đó, “cơ quan duy nhất được phép xuất khẩu vàng là
NHNN”. NHNN có thể trực tiếp xuất, nhập hoặc uỷ quyền cho một số doanh
nghiệp, tổ chức tín dụng thay mặt NHNN thực hiện. Liệu đây có phải là
một giải pháp?
Vị trí của vàng trong tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn
Vàng luôn được coi như là công cụ phòng ngừa rủi ro.
Trong điều kiện bình thường, các nhà đầu tư có thể chuyển sang đồng tiền
của một quốc gia khác để bảo toàn tài sản của mình nếu đồng tiền đang
giữ có nguy cơ bị mất giá trị. Tuy nhiên, khi bất ổn nền kinh tế toàn
cầu kéo dài như hiện tại thì giá trị của mọi đồng tiền đều bị nghi ngờ.
Không ai chắc liệu đồng euro, đồng yen, và đồng USD có thể giữ được giá
trị khi mà các ngân hàng trung ương liên tục bơm ra các gói nới lỏng
tiền tệ khổng lồ để hỗ trợ nền kinh tế của mình.
Nếu các gói cứu trợ này có hiệu quả có thể các đồng
tiền này vẫn được tin tưởng. Nhưng khi các gói cứu trợ này lại không
hiệu quả, không ai biết liệu các quốc gia đó sẽ phải trả nợ thế nào
trong tương lai? Do không còn tin tưởng được vào các đồng tiền, các nhà
đầu tư buộc phải tìm đến một loại tài sản có vị trí trong xã hội tương
tự như tiền để giá trị. Trong tất cả các loại hàng hóa, chỉ có vàng mang
thuộc tính của tiền tệ (tính đồng nhất, khả năng phân chia, khó làm
giả, dễ vẫn chuyển v.v.) và nó trở thành công cụ bảo toàn giá trị để các
nhà đầu tư “tránh bão” khủng hoảng tài chính. Vì lẽ đó, không chỉ các
cá nhân mà ngay cả các ngân hàng trung ương cũng luôn phải dự trữ vàng
để phòng ngừa rủi ro, bởi họ cũng hiểu rằng dự trữ tài sản quốc gia dưới
bất kỳ đồng tiền nào cũng có thể sẽ bị mất giá.
Tuy nhiên, NHNN Việt Nam lại lo lắng khi người dân dự
trữ vàng thì nền kinh tế sẽ bị mất đi một lượng ngoại tệ do phải nhập
khẩu vàng. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới cán cân thanh toán của quốc
gia. Vì lẽ đó, trong thời gian gần đây, NHNN đã có nhiều biện pháp mang
tính hành chính để khuyến khích người dân không tích trữ vàng, chẳng hạn
thông tư 11/2011/TT-NHNN quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn
bằng vàng của tổ chức tín dụng. Bản thân NHNN cũng chỉ tăng dự trữ ngoại
tệ chứ không tăng dự trữ vàng như các ngân hàng trung ương khác.
Bài học quản lý vàng của Ấn Độ
Ấn Độ là một quốc gia có truyền thống sử dụng vàng. Với
mực đích kiểm soát thị trường này, vào năm 1962, chính phủ Ấn Độ đã ban
hành một đạo luật hạn chế dân chúng sử dụng vàng và tập trung vàng vào
ngân hàng trung ương. Các qui định gồm: cấm các cơ sở vàng sản xuất đồ
trang sức bằng vàng có hàm lượng trên 14 carat; các cơ sở sản xuất và
kinh doanh trang sức phải ghi đầy đủ các thông tin về mua, sản xuất, và
bán vàng; các cá nhân/hộ gia đình chỉ được giữ vàng trang sức; NHNN độc
quyền trong việc xuất và nhập khẩu vàng v.v.
Trong những năm đầu, chính phủ Ấn Độ đã kiểm soát khá
thành công thị trường vàng. Thông qua việc phát hành trái phiếu vàng,
chỉ trong vòng 3 năm 1962 - 1965, chính phủ đã huy động được 19,8 tấn
vàng. Tuy nhiên, chính sách này sau đó đã bộc lộ những khiếm khuyết. Dân
chúng tiếp tục giữ vàng như là tài sản tiết kiệm, còn nhà nước sau đó
huy động được rất ít. Việc xuất - nhập lậu vàng trên qui mô lớn liên tục
diễn ra và không thể kiểm soát. Chính sách ngoại hối liên tục bị ảnh
hưởng bởi vàng. Trước tình hình đó, vào đầu thập niên 1990 của thế kỷ
20, Ấn Độ bãi bỏ đạo luật kiểm soát vàng trước đó. Vàng được ngân hàng
trung ương Ấn Độ đối xử như là một loại ngoại tệ. Đạo luật về quản lý
ngoại hối đã bao gồm cả vàng, bạc và đối xử với các loại hàng hóa này
như là ngoại tệ.
Vào năm 1997, Ủy ban về tài khoản vốn của chính phủ Ấn
Độ xây dựng một chính sách toàn diện để "giải phóng" thị trường vàng.
Các mục tiêu của chính sách này bao gồm: dỡ bỏ các rào cản đối với việc
xuất và nhập khẩu vàng nhằm chống các hoạt động buôn lậu và tích trữ
vàng; phát triển các công cụ tài chính phái sinh gắn với vàng; phát
triển các thị trường đối với vàng vật chất và vàng phái sinh; khuyến
khích các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính tham gia vào thị
trường vàng. Chính sách này đã nhanh chóng được đưa vào thực tế.
Tháng 7.1997, các ngân hàng thương mại (NHTM) Ấn Độ
được cấp giấy phép tham gia hoạt động xuất – nhập khẩu vàng. Đầu 1999,
ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) cho phép các NHTM được phép huy động
tiền gửi đảm bảo bằng vàng; các sổ tiết kiệm vàng này được phép giao
dịch trên thị trường thứ cấp. Sau năm 2000, Ấn Độ đã phát triển các thị
trường phái sinh và kỳ hạn liên quan đến vàng. Nhờ những chính sách giải
phóng thị trường vàng này, Ấn Độ không những đáp ứng được nhu cầu sử
dụng vàng của dân chúng, ngăn cản được hoạt động buôn lậu mà còn giải
phóng được một nguồn vốn khổng lồ dưới dạng vàng vào phát triển kinh tế.
Tỷ giá USD/INR được duy trì ổn định ở mức trên dưới 45 suốt từ năm 2000
đến nay.
NHNN Việt Nam nên làm gì?
Tương tự Ấn Độ, Việt Nam là một quốc gia có truyền
thống sử dụng vàng. Lượng vàng trong dân hiện nay ước lên tới vài trăm
tấn. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục bất ổn, việc dự trữ
vàng ở một tỷ lệ nhất định là cần thiết bởi vàng sẽ là công cụ dự trữ
giá trị và có thanh khoản tốt nhất trên phạm vi toàn cầu. Điều này đúng
không những trong phạm vi gia đình mà còn trong phạm vi quốc gia, có
nghĩa rằng vàng sẽ tiếp tục có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế
của Việt Nam trong nhiều năm tới. Để tránh việc vàng trở thành một tài
sản "chết" như thời gian vừa qua, NHNH cần có một chính sách toàn diện
đối với vàng.
Kinh nghiệm của Ấn Độ cho thấy các biện pháp kiểm soát,
hạn chế phát triển thị trường vàng sẽ gây hại cho sự phát triển của
quốc gia. Để vàng trở thành nguồn vốn phát triển đất nước, các chính
sách của NHNN trong thời gian tới cần hướng đến việc làm thế nào vàng có
thể dễ dàng xuất nhập khẩu, dễ dàng tham gia vào hoạt động tín dụng và
dễ dàng chuyển đổi sang các loại tài sản khác khi cần. "Giải phóng" thị
trường vàng cần đặt lên hàng đầu chứ không phải "kiểm soát" nó.
Đinh Tuấn Minh
(sgtt)