[Sài gòn tiếp thị online- 25/07/2011 - TS.Phạm Thế Anh]
LTS: Quốc hội khoá XIII đang họp kỳ họp đầu tiên
trong bối cảnh vấn đề thâm hụt ngân sách, nợ công nhiều nước trở nên
trầm trọng, khiến nhiều người giật mình, lo ngại nguy cơ của Việt Nam. Trong
nước, từ trước, sự đổ bể của tập đoàn kinh tế nhà nước Vinashin đặt ra
nhiều câu hỏi liên quan đến giám sát hoạt động kinh doanh đầu tư vốn nhà
nước. Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có thẩm quyền tối
cao đối với các vấn đề thuộc ngân sách. Thách thức đối với Quốc hội
liên quan đến việc thực thi thẩm quyền này, dưới góc nhìn của các chuyên
gia kinh tế: TS Phạm Thế Anh và TS Lê Hồng Giang.
Quốc hội với bài toán giám sát nợ công, bội chi và vốn nhà nước
Tăng cường kỷ luật ngân sách
Tỷ lệ nợ công hiện nay của Việt Nam có an toàn hay không, thưa ông?
Khi
thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao, nó lại chính là nguyên nhân gây
ra những bất ổn về lạm phát, lãi suất và tỷ giá. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật |
TS Phạm Thế Anh: Thật khó có thể đưa
ra một ngưỡng an toàn với tỷ lệ cụ thể về nợ công đối với Việt Nam. Các
nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra ngưỡng an toàn này là rất khác nhau
giữa các nước. Tỷ lệ nợ công/GDP của Nhật Bản lên tới khoảng 200% vẫn
được cho là an toàn. Trong khi đó, một số nước Đông Âu và Trung Á đã rơi
vào khủng hoảng nợ khi tỷ lệ nợ công/GDP tăng lên mức 80 – 90%. Thậm
chí các nước thu nhập thấp và trung bình rơi vào khủng hoảng nợ khi tỷ
lệ này thấp hơn nhiều.
Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam hiện nay vào khoảng 60%.
Việc tranh luận xem tỷ lệ này là an toàn hay không đôi khi là không cần
thiết. Quan trọng hơn là chúng ta phải nhìn vào xu hướng, những rủi ro
tiềm ẩn và chất lượng sử dụng các khoản nợ công này.
Vậy đâu là những rủi ro của nợ công Việt Nam hiện nay?
Nguy cơ thứ nhất đó là xu hướng tăng nhanh của cả nợ
trong nước lẫn nợ nước ngoài trong những năm gần đây. Dù ngưỡng an toàn
là bao nhiêu đi chăng nữa thì với tốc độ tăng nhanh của nó, mỗi năm tăng
thêm khoảng 5 – 7% GDP, thì nợ công sẽ nhanh chóng vượt ngưỡng an toàn.
Thứ hai, nợ công trong nước hiện nay chịu nhiều rủi ro
về lãi suất. Trong khi đó, nợ công nước ngoài lại chịu rủi ro lớn về tỷ
giá. Ngay cả trong trường hợp Việt Nam có khả năng duy trì cân bằng ngân
sách cơ bản hàng năm, thì quy mô của các khoản nợ công cũng tăng nhanh
với tốc độ bằng với lãi suất và tỷ lệ mất giá của đồng nội tệ.
Tuy nhiên, quan hệ này không phải là một chiều. Khi
thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao, nó lại chính là nguyên nhân gây
ra những bất ổn về lạm phát, lãi suất và tỷ giá. Có thể nói thâm hụt
ngân sách cao và nợ công tăng nhanh là một trong những nguyên nhân quan
trọng gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam.
Cuối cùng, quan trọng hơn cả là những rủi ro liên quan
đến chất lượng của việc sử dụng những khoản nợ công này. Nếu các khoản
nợ công được sử dụng hiệu quả, đem lại tăng trưởng bền vững, cải thiện
chất lượng cuộc sống thì nợ công nên được khuyến khích. Tuy nhiên, nếu
việc sử dụng nợ công lại gây thất thoát, tham nhũng, lạm phát, và các
bất ổn vĩ mô khác thì cần phải tuyệt đối hạn chế nó. Những rủi ro này
theo tôi ở Việt Nam hiện nay là rất lớn thông qua hàng loạt các vụ việc
bị phát hiện gần đây. Chất lượng sử dụng các khoản nợ công sẽ quyết định
đến khả năng thanh toán nó và triển vọng trong tương lai của nền kinh
tế.
Để giảm thiểu những rủi ro này, Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cần phải làm gì?
Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao
nhất, có chức năng đưa ra những quyết định và giám sát việc thực thi tài
khoá, cần phải tăng cường kỷ luật và giám sát việc thực hiện thu chi
ngân sách.
Kỷ luật ngân sách ở đây thể hiện qua việc Quốc hội cần
phải đưa ra các quy tắc tài khoá rõ ràng và yêu cầu Chính phủ thực hiện
nghiêm ngặt. Quy tắc tài khoá ở đây có thể được thể hiện qua hàng loạt
các chỉ tiêu về tỷ lệ nợ công/GDP, tỷ lệ thâm thụt ngân sách tối đa hàng
năm, quy tắc về vay mượn (ví dụ như không được vay mượn từ ngân hàng
Trung ương hay không được ứng trước ngân sách để chi tiêu, không được
vay mượn quá bao nhiêu phần trăm so với tổng thu/chi,…). Các chỉ tiêu
này nếu được thực hiện nghiêm sẽ giúp giảm bớt các rủi ro về nợ công.
Để thực hiện và giám sát tốt kỷ luật ngân sách, các
thông tin về thu chi ngân sách cũng cần phải được chuẩn hoá và công khai
theo thông lệ quốc tế. Việc hạch toán theo những cách riêng sẽ làm cho
công tác giám sát và so sánh quốc tế gặp khó khăn. Hy Lạp và một số nước
khác đã và đang phải trả giá đắt khi trước đây cố tình che giấu tình
trạng nợ công của họ.
Tuy nhiên, việc giám sát có chặt chẽ thế nào đi nữa thì
Quốc hội cũng không thể đủ nguồn lực và kỹ thuật để giám sát từng dự
án, từng chương trình chi tiêu ngân sách. Về lâu dài, cách tốt nhất có
lẽ là phải làm thế nào để không hoặc ít phải giám sát. Hiện nay chúng ta
thấy rằng quy mô của chi tiêu chính phủ/GDP của Việt Nam thuộc diện cao
nhất trong những nước ở khu vực, và thậm chí nó còn có xu hướng tăng so
với những năm đầu đổi mới. Việc “rút lui” dần khỏi các hoạt động kinh
tế của nhà nước, đồng thời khuyến khích khu vực tư nhân, sẽ giúp cho
nguồn lực xã hội được sử dụng hiệu quả hơn, ngân sách cân bằng hơn và
việc giám sát kỷ luật ngân sách được thực hiện tốt hơn.
Gánh nặng thuế của người dân đang cao so với các
nước trong khu vực. Quốc hội khoá mới sẽ bàn về chuyện miễn giảm một số
loại thuế cho một số đối tượng để chia sẻ gánh nặng lạm phát, đó là việc
đáng hoan nghênh nhưng mang tính thời điểm. Về lâu dài, phải chăng,
Quốc hội nên tính đến những chính sách căn cơ hơn để giảm gánh nặng này
nhằm khoan sức dân, tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế?
Hiện nay mức thu ngân sách là khá cao. Số liệu so sánh
quốc tế cho thấy tỷ lệ thu ngân sách nhà nước từ thuế, phí và lệ phí của
Việt Nam vào khoảng 25 – 26% GDP. Ngay cả khi trừ đi khoản thu từ dầu
thô thì tỷ lệ này vẫn ở khoảng 21% GDP. Trong khi đó, các nước trong khu
vực như Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia vào khoảng 15%, Philippines
còn thấp hơn với khoảng trên dưới 13%, Indonesia là 12%, một số nước có
tỷ lệ này rất thấp ví dụ như Ấn Độ chỉ khoảng 7 – 8%. Như vậy, bên cạnh
“thuế lạm phát” hai con số, trung bình mỗi người dân Việt Nam chịu tỷ lệ
thuế/thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với các nước trong khu vực.
Những biện pháp giảm thuế hiện nay chỉ mang tính tạm
thời. Ngoài ra, nó còn đặt ra những dấu hỏi về tính công bằng giữa những
đối tượng được cắt giảm và gây thêm thâm hụt ngân sách. Về lâu dài, các
biện pháp căn cơ đối với nền kinh tế vẫn phải là cắt giảm chi tiêu
công, cân đối ngân sách phải tránh dựa vào những khoản thu kém bền vững
như bán tài sản hay tài nguyên thiên nhiên, đưa lạm phát của nền kinh tế
xuống còn 4 – 5% như những nước trong khu vực, tăng cường tỷ lệ tuân
thủ nghĩa vụ nộp ngân sách chứ không nên tận thu thuế bằng cách tăng cơ
sở tính thuế hay tăng thuế suất để giảm thâm hụt ngân sách. Ngoài ra, hệ
thống thuế của Việt Nam cũng cần phải có những cải cách nhất định để
tránh hiện tượng thuế chồng thuế, giảm khả năng cạnh tranh của doanh
nghiệp, và khuyến khích hành vi trốn thuế.
Mỹ Lệ (thực hiện)
(sgtt)
|