Thứ Tư, 25/12/2024 12:15

Sân chơi lãi suất bất bình đẳng và "tái cấu trúc" tư duy

10:06:52 12/03/2013
[SGTT - 18/02/2011 - Phạm Thế Anh] SGTT.VN - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố tăng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 9% lên 11,0%/năm. Trong khi đó, lãi suất tái chiết khấu vẫn được giữ nguyên ở mức 7%. 

[SGTT - 18/02/2011 - Phạm Thế Anh]

SGTT.VN - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố tăng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 9% lên 11,0%/năm. Trong khi đó, lãi suất tái chiết khấu vẫn được giữ nguyên ở mức 7%. 

Các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn không bị hạn chế tín dụng. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

Đây là một trong những hành động nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, có vẻ như quyết định này đang tạo thêm ra một sân chơi bất bình đẳng về lãi suất giữa các ngân hàng thương mại quốc doanh với ngân hàng thương mại cổ phần, và giữa khu vực tư nhân với khu vực nhà nước.

Thông thường, trong trường hợp thiếu hụt thanh khoản tạm thời, các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể đi vay từ NHNN thông qua việc thế chấp trái phiếu chính phủ hoặc thế chấp các hợp đồng tín dụng. Khi thế chấp bằng trái phiếu, NHTM phải trả mức lãi suất tái chiết khấu (7%). Ngược lại, nếu thế chấp bằng các hợp đồng tín dụng thì họ phải trả mức lãi suất tái cấp vốn (11%).

Phần lớn trái phiếu chính phủ hiện nay nằm trong tay các NHTM quốc doanh và một số NHTM cổ phần lớn. Như vậy, việc tăng lãi suất tái cấp vốn, trong khi giữ nguyên lãi suất tái chiết khấu, chủ yếu đánh vào các NHTM cổ phần nhỏ. Trong khi các NHTM quốc doanh với thị phần lớn sẽ hầu như không bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, ẩn sau quyết định này chính là việc “hỗ trợ” cho việc phát hành trái phiếu chính phủ nhằm phục vụ chi tiêu của khu vực nhà nước. Kể từ đầu năm đến nay, khoảng gần 7 ngàn tỉ đồng (trong kế hoạch 45 ngàn tỉ đồng của cả năm 2011) trái phiếu chính phủ đã được phát hành thành công với lợi suất chỉ xấp xỉ 11%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất thị trường. Điều này tưởng chừng như vô lý, tuy nhiên thực chất các NHTM có thể đem thế chấp lượng trái phiếu mà họ nắm giữ để vay tiền từ NHNN với mức lãi suất chiết khấu (7%), sau đó cho vay lại trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao nhằm thu lợi lớn.

Như vậy, quyết định nâng lãi suất tái cấp vốn, trong khi giữ nguyên lãi suất tái chiết khấu, sẽ tiếp tục duy trì cầu về trái phiếu chính phủ. Và thực chất, nó chỉ hạn chế tín dụng đối với khu vực tư nhân chứ không hạn chế tín dụng đối với chính phủ, hay đằng sau đó là các tập đoàn kinh tế lớn.

Đâu đó chúng ta vẫn thấy các thông tin về việc chính phủ giao cho các tập đoàn kinh tế hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư trong năm 2011.

Nâng lãi suất cần phải đi kèm với việc hạn chế tăng trưởng cung tiền ra nền kinh tế mới mong kiểm soát lạm phát và nâng cao giá trị của tiền đồng một cách hiệu quả. Quan trọng hơn, chính sách đưa ra cần phải tạo sân chơi bình đẳng giữa các khu vực.

Chúng ta vẫn đang bàn về việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc nền kinh tế có lẽ phải bắt đầu từ việc tái cấu trúc hệ thống chính sách vĩ mô và sâu xa hơn nữa, đó là “tái cấu trúc” tư duy những người làm ra chính sách đó.

TS Phạm Thế Anh

(SGTT)

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image