Thứ Năm, 21/11/2024 07:27

Lấp những lỗ hổng

10:06:55 12/03/2013
[Tuoitre - 14/02/2011 - Nguyễn Đức Thành] TT - Khi không khí tết còn chưa hết vấn vương thì người dân đã nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên của một đợt lạm phát mới trong năm nay, biểu hiện bằng những làn sóng tăng giá các mặt hàng thiết yếu đang nhấp nhô trước mắt. Ngay từ đầu năm, chúng ta có thể thấy những sức ép rất lớn từ việc tăng giá điện, than, xăng dầu... Việc nâng giá đồng USD lên hơn 9% một cách đột ngột trong sáng 11-2 tạo tâm lý chung như một sự khởi đầu.

[Tuoitre - 14/02/2011 - Nguyễn Đức Thành]

TT - Khi không khí tết còn chưa hết vấn vương thì người dân đã nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên của một đợt lạm phát mới trong năm nay, biểu hiện bằng những làn sóng tăng giá các mặt hàng thiết yếu đang nhấp nhô trước mắt.

Ngay từ đầu năm, chúng ta có thể thấy những sức ép rất lớn từ việc tăng giá điện, than, xăng dầu...

Việc nâng giá đồng USD lên hơn 9% một cách đột ngột trong sáng 11-2 tạo tâm lý chung như một sự khởi đầu.

Có thể thấy điểm khác căn bản của đợt lạm phát năm nay là nó xuất phát từ việc Chính phủ buộc phải lấp lại những lỗ hổng đã được tạo ra bằng những can thiệp hành chính trong năm trước. Cụ thể là sau khi giá các mặt hàng tiêu dùng chung đã tăng hơn 10% trong năm 2010, nhưng giá các mặt hàng thiết yếu vẫn được kiểm soát bằng hành chính để không tăng trong cùng thời gian đó, giờ đây đã căng phồng để chực bung ra giật đứt những sợi dây kiềm tỏa.

Việc kiểm soát giá mang tính hành chính luôn tạo nên những méo mó trên thị trường với một biểu hiện là xuất hiện nhiều thị trường với những mức giá khác nhau cho cùng một sản phẩm. Điều này thoạt tiên tạo nên sự bình ổn giả tạo trong ngắn hạn, nhưng cái giá phải trả là sự rối loạn được tích lũy một cách liên tục và sẽ bục ra sau đó một thời gian. Và điều chỉnh tỉ giá như mới đây là cách tháo bỏ những quy định cũ, nhằm để thị trường tự lấp đầy những lỗ hổng méo mó đã tạo ra. Bao giờ cũng vậy, tự thân các biện pháp hành chính không làm các vấn đề kinh tế biến mất - chúng chỉ làm biến dạng các vấn đề đó.

Vào những ngày cuối cùng của năm trước, Chính phủ đã đưa ra thông điệp về việc ưu tiên bình ổn vĩ mô, nhưng ngay từ bây giờ đã có thể thấy việc kiềm chế lạm phát năm nay dưới một con số trở nên rất khó khăn.

Việc điều chỉnh giá cả các mặt hàng thiết yếu sớm hay muộn cũng phải diễn ra, nhưng đi liền với nó cần có những thiết kế nghiêm túc để chúng có thể vận động bền vững cùng với toàn bộ thị trường.

Điều này có thể phải trả giá bằng những cú sốc trước mắt như việc điều chỉnh tỉ giá vừa qua, đồng thời là những thay đổi về tư duy điều hành và sử dụng công cụ chính sách, cùng với những cải cách trong hệ thống quản lý nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước lớn đang được hưởng đặc ân từ sự che chở của hệ thống hành chính.

Chỉ khi những cải cách này đã đạt được thì việc sử dụng các công cụ vĩ mô để điều tiết nền kinh tế, mà chủ yếu vẫn là thắt lưng buộc bụng về chi tiêu ngân sách, đặc biệt là ngân sách công và điều hành tiền tệ một cách có kỷ luật để ngăn chặn lạm phát, mới trở nên có ý nghĩa.

TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH

(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách)

(Tuoitre)

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image