[SGTT - 24/01/2011 - Phạm Thế Anh]
SGTT.VN - Với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 7 –
8%, muốn đạt được mục tiêu lạm phát xoay quanh 7% thì tốc độ tăng
trưởng cung tiền chỉ nên giới hạn trong khoảng 15%/năm.
Năm 2010 kinh tế Việt Nam một lần nữa lại chứng kiến sự
biến động mạnh của lạm phát và những bất ổn đi kèm, đặt các hoạch định
chính sách trước bài toán nan giải phải cân bằng hài hoà giữa tăng
trưởng với bình ổn lạm phát, lãi suất và tỷ giá.
Điều này cho thấy việc xác định mục tiêu và điều hành
chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu đó còn có những bất cập nhất
định. Chính sách tiền tệ có vẻ như còn thiếu một cơ sở lý luận vững
chắc, do vậy thường dẫn đến những phản ứng thụ động, không hiệu quả,
hoặc gây sốc cho nền kinh tế.
Đi tìm nguyên nhân tiền tệ
Điều quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách
là phải thấy rõ được đâu là xu hướng dài hạn, biến động mang tính chất
mùa vụ tạm thời, biến động chu kỳ… của thước đo lạm phát để từ đó đưa ra
được những phản ứng chính sách thích hợp. Việc phân rã lạm phát theo
các thành phần khác nhau ở trên có thể được thực hiện bằng các kỹ thuật
thống kê thích hợp.
Kết quả phân rã lạm phát trong giai đoạn 2003 – 2010
của Việt Nam cho thấy thành phần dài hạn của lạm phát đã có xu hướng
giảm kể từ những tháng trong quý 3 năm 2008 khi cuộc khủng hoảng kinh tế
toàn cầu nổ ra và khi các điều chỉnh chính sách tiền tệ trước đó của
Việt Nam bắt đầu phát huy tác dụng. Các điều chỉnh này bao gồm việc nâng
tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất cơ bản, hút tiền về qua thị trường
mở và thậm chí là phát hành tín phiếu bắt buộc.
Về cơ bản, xu hướng dài hạn của lạm phát phụ thuộc vào
tốc độ tăng trưởng cung tiền hàng năm của nền kinh tế. Sự gia tăng nhanh
của cung tiền, đạt đỉnh vào khoảng gần 50% trong năm 2007, đã kéo theo
thước đo lạm phát dài hạn đạt mức cao nhất vào những tháng giữa năm
2008. Kể từ năm 2008 đến nay, hai thước đo tăng trưởng cung tiền và lạm
phát cùng có xu hướng giảm. Tuy nhiên, mức lạm phát dài hạn vẫn ở mức
cao, khoảng 8% vào cuối năm 2010. Với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm
khoảng 7 – 8%, nếu Chính phủ muốn đạt được mục tiêu lạm phát xoay quanh
7% thì tốc độ tăng trưởng cung tiền chỉ nên giới hạn trong khoảng
15%/năm. Với việc cho phép cung tiền tiếp tục tăng trên 20% như hiện
nay, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức một con số gần như là điều không
thể.
Thành phần chu kỳ phản ánh sự lên xuống của lạm phát
gây ra bởi những sự kiện hoặc chính sách nào đó. Trong khi đó, thành
phần mùa vụ phản ánh những dao động ở những thời điểm nhất định trong
năm gây ra bởi các sự kiện như mùa vụ trong nông nghiệp, kỳ nghỉ lễ tết…
Biến động của thành phần mùa vụ chỉ mang tính tạm thời.
Do vậy, khi đưa ra những quyết định chính sách, ngân hàng Nhà nước cần
cân nhắc, tránh phản ứng theo nó.
Việt Nam nên cân nhắc phát hành TIPS –
một loại trái phiếu có coupon điều chỉnh theo lạm phát. Chênh lệch giữa
lợi suất của TIPS và lợi suất của các loại trái phiếu thông thường khác
sẽ cung cấp nhiều thông tin quan trọng về lạm phát trong tương lai. |
Thành phần chu kỳ khó dự đoán nhất. Để bình ổn được lạm
phát, phải dự đoán được xu hướng biến đổi của thành phần này nhằm có
được những phản ứng chính sách mang tính đón đầu. Sự phản ứng chậm trễ
có thể làm giá cả tăng theo phản ứng dây chuyền và khó kiểm soát. Kết
quả phân rã cho thấy thành phần chu kỳ giảm kể từ sau tháng 8.2008 khi
khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, khi giá cả các yếu tố đầu vào giảm
mạnh cộng với sự suy giảm của tổng cầu. Kể từ tháng 9.2010, thành phần
chu kỳ bắt đầu dương và gia tăng mạnh do sự mất giá của đồng nội tệ cũng
như sự gia tăng trở lại của giá cả thế giới. Tuy nhiên, chính sách tiền
tệ chỉ bắt đầu phản ứng kể từ đầu tháng 11.2010 khi ngân hàng Nhà nước
đồng thời nâng lãi suất cơ bản lên 9% và hạn chế lượng tiền bơm ra trên
thị trường mở. Sự chậm trễ này kết hợp với yếu tố mùa vụ cao của những
tháng cuối năm đã khiến tốc độ tăng CPI tăng cao.
Nhìn lại quy tắc chính sách tiền tệ của Việt Nam
Các quy tắc chính sách tiền tệ được sử dụng phổ biến
bởi ngân hàng Trung ương các nước hiện nay gồm: quy tắc mục tiêu cung
tiền ở mức thấp và ổn định; quy tắc mục tiêu GDP danh nghĩa; quy tắc mục
tiêu lạm phát; quy tắc Taylor (kết hợp giữa mục tiêu lạm phát và mục
tiêu thất nghiệp hoặc tăng trưởng kinh tế).
Thực tế ở Việt Nam trong thời gian qua, hàng năm ngân
hàng Nhà nước đồng thời công bố hai mục tiêu tăng trưởng cung tiền và
mục tiêu lạm phát. Ví dụ như năm 2010, ngân hàng Nhà nước đồng thời đặt
mục tiêu tăng trưởng cung tiền là 20% và mục tiêu lạm phát là 8%. Đây là
những quy tắc chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Việc theo đuổi tăng trưởng
cung tiền ở mức cố định sẽ khiến cho chính sách tiền tệ mất đi tính linh
hoạt trong việc kiểm soát lạm phát. Chúng ta không thể đồng thời vừa
tăng cung tiền vừa cắt giảm lạm phát trong trường hợp cần thiết. Quan
trọng hơn, ấn định mục tiêu tăng trưởng cung tiền ở mức 20% là cao một
cách bất hợp lý. Trạng thái cân bằng dài hạn cho chúng ta biết tốc độ
tăng cung tiền chỉ nên dao động xấp xỉ quanh mức lạm phát mục tiêu cộng
với tốc độ tăng trưởng kinh tế – khoảng 15% đối với Việt Nam. Việc theo
đuổi mục tiêu tăng trưởng cung tiền quá cao trong thời gian dài sẽ dẫn
đến việc lạm phát thực tế vượt xa mức mục tiêu và/hoặc gây ra bong bóng
giá trên thị trường tài sản.
Để thực hiện quy tắc mục tiêu lạm phát, trong thời gian
qua ngân hàng Nhà nước thường dùng công cụ lãi suất cơ bản để từ đó tác
động đến các loại lãi suất khác và tổng cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên,
việc điều chỉnh lãi suất này thường được coi là chậm chạp, tức là chỉ
phản ứng sau khi lạm phát đã xảy ra, và thiếu tính ngăn chặn. Những thay
đổi lãi suất áp dụng cho tháng tiếp theo được đưa ra dựa trên thông tin
về lạm phát của tháng hiện tại. Ước lượng quy tắc chính sách đơn giản
của ngân hàng Nhà nước cho thấy nếu lạm phát tăng 1 điểm phần trăm thì
lãi suất chỉ phản ứng tăng xấp xỉ 0,3 điểm phần trăm. Điều này thể hiện
rõ quan điểm khá lỏng với lạm phát và chạy theo tăng trưởng tín dụng và
cung tiền trong những năm gần đây. Hơn nữa, sự phản ứng không theo sát
thị trường này còn khiến cho các ngân hàng thương mại luôn phải tìm cách
nâng lãi suất vượt trần cho phép qua nhiều hình thức khác nhau, tạo nên
sự tồn tại của cơ chế hai lãi suất.
Ngoài ra, việc thiếu một thước đo lạm phát kỳ vọng
khiến ngân hàng Nhà nước mất đi nguồn thông tin quan trọng phản ánh
tương lai lạm phát của nền kinh tế, và do vậy phản ứng chính sách không
có tính đón đầu. Thông thường ở các nước trên thế giới, thông tin về kỳ
vọng lạm phát có thể được khai thác từ phỏng vấn điều tra hoặc qua thị
trường trái phiếu. Cách đầu thường tốn kém, mất thời gian, thông tin thu
thập được có thể bị sai lệch do mẫu điều tra không đại diện. Cách sau
được thực hiện thông qua việc phát hành TIPS – một loại trái phiếu có
coupon điều chỉnh theo lạm phát. Chênh lệch giữa lợi suất của TIPS và
lợi suất của các loại trái phiếu thông thường khác sẽ cho ngân hàng
Trung ương những thông tin quan trọng về lạm phát trong tương lai để từ
đó có những điều chỉnh chính sách thích hợp. Trong thời gian tới Việt
Nam nên cân nhắc phát hành loại trái phiếu này.
Cuối cùng, khi đã công bố mục tiêu thì các quy tắc
chính sách để đạt được mục tiêu đó cần phải được thực hiện một cách có
kỷ luật. Việc thực thi một chính sách tiền tệ nhất quán sẽ giúp ngân
hàng Nhà nước lấy được lòng tin của công chúng. Khi công chúng tin vào
những công bố chính sách, ngân hàng Nhà nước chỉ cần điều chỉnh nhỏ đối
với chính sách cũng có thể đem lại những hiệu quả lớn và ngược lại.
TS Phạm Thế Anh
(SGTT)
|