Thứ Sáu, 24/01/2025 06:15

Hệ nguyên lý mới điều hành nền kinh tế

10:06:58 12/03/2013
[SGTT - 12/01/2011 - Đinh Tuấn Minh] SGTT.VN - Đã có một sự đồng thuận cao giữa các chuyên gia kinh tế cũng như giới làm chính sách về căn nguyên chính của những bất ổn kinh tế vĩ mô thời gian qua, như đầu tư công cao và thiếu hiệu quả, hệ thống hành chính cồng kềnh, sự chậm chạp trong việc cải tổ khối doanh nghiệp nhà nước, hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học và công nghệ lạc hậu, và phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách yếu.

[SGTT - 12/01/2011 - Đinh Tuấn Minh]

SGTT.VN - Đã có một sự đồng thuận cao giữa các chuyên gia kinh tế cũng như giới làm chính sách về căn nguyên chính của những bất ổn kinh tế vĩ mô thời gian qua, như đầu tư công cao và thiếu hiệu quả, hệ thống hành chính cồng kềnh, sự chậm chạp trong việc cải tổ khối doanh nghiệp nhà nước, hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học và công nghệ lạc hậu, và phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách yếu.

Một khu vực DNTN đã hình thành, đông đảo về số lượng, có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế trong thập niên qua. Ảnh: Lê Quang Nhật

Với những căn nguyên đó, Việt Nam không thể tiếp tục mô hình tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, và lao động giá rẻ như hiện tại. Những năm vừa qua cho thấy, chỉ cần tăng vốn đầu tư một chút để thúc đẩy tăng trưởng, nền kinh tế ngay lập tức gặp bất ổn về kinh tế vĩ mô.

Nền kinh tế Việt Nam đã bước vào một giai đoạn cần sự đổi mới toàn diện.

Đổi mới nền kinh tế lần này khác với đổi mới hồi cuối thập niên 1980. Lần đổi mới trước, quy mô của nền kinh tế còn nhỏ, không phức tạp, và ít hội nhập với bên ngoài. Chỉ cần một số thay đổi theo hướng cởi trói cho các thành phần kinh tế chúng ta đã đạt được những cải thiện đáng kể về năng suất lao động. Nhờ đó, Việt Nam đạt tăng trưởng cao với mức lạm phát thấp và tỷ giá ổn định.

Hiện nay, quy mô của nền kinh tế Việt Nam đã lớn hơn rất nhiều lần và đã hội nhập tương đối toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu. Dư địa để tiến hành các cải cách nhỏ dường như đã hết. Để tiếp tục phát triển, Việt Nam cần có những cải cách cơ bản hơn. Đó là đổi mới về tư duy quản trị nền kinh tế.

Chúng ta cần một tư duy mới về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Hoạt động kinh tế đòi hỏi luật lệ và công bằng. Nhà nước phải là nơi mà doanh nghiệp có thể tin cậy rằng mình được đối xử công bằng: công bằng về vốn, về cơ hội kinh doanh, về xét xử tranh chấp, về đóng góp cho Nhà nước. Sự phức tạp của nền kinh tế khiến cho Nhà nước không thể can thiệp trực tiếp vào những đối tượng cụ thể. Bất cứ sự can thiệp trực tiếp nào của Chính phủ cũng khiến cho một bộ phận của nền kinh tế được hưởng lợi, trong khi một bộ phận khác bị thiệt hại.

Chúng ta cần một tư duy mới về khu vực doanh nghiệp nhà nước. Cần phải chấp nhận một thực tế là các công chức nhà nước không có động cơ để nắm bắt các biến động kinh tế như các doanh nhân dùng vốn của mình để kinh doanh. Thiếu động cơ làm kinh tế thì dù có tài giỏi mấy cũng không thể giúp doanh nghiệp phát triển. Vì thế, tất cả các công việc kinh doanh theo hướng chạy theo lợi nhuận nên để cho tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước chỉ hoạt động trong những lĩnh vực thuần tuý công ích.

Tư duy chính trị mới đòi hỏi chúng ta tìm kiếm những lời giải đáp cho các vấn đề ngắn hạn phát sinh từ những xung đột lợi ích hàng ngày. Một tư duy chính trị hướng đến những vấn đề cứu cánh của loài người là không thực tế. Tư duy chính trị hướng đến các vấn đề dân sinh hàng ngày đòi hỏi một bầu không khí trao đổi cởi mở giữa các bộ phận dân cư.

Chúng ta cần đổi mới về tư duy đầu tư công. Chỉ những thứ dịch vụ mà hầu hết người dân được hưởng mới cần thiết đầu tư công. Trong khi quốc phòng, an ninh, và luật pháp có thể cần đầu tư công toàn diện, thì những lĩnh vực khác như đường sá, điện, nước, giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao, v.v. không nhất thiết phải cần đầu tư công. Với các lĩnh vực này, chúng ta chỉ nên dừng đầu tư công ở cấp hệ thống quốc gia. Còn những công trình cụ thể như những ngôi trường cụ thể, bệnh viện cụ thể, những con đường cụ thể v.v. thì hoàn toàn có thể san sẻ lại cho khu vực tư.

Chúng ta cần có một tư duy mới về sở hữu đất đai nếu muốn tiếp tục phát triển nông nghiệp và nông thôn. Với cơ chế sở hữu hiện tại, ruộng đất trở thành một thứ tài sản ít có giá trị do kém thanh khoản. Nông dân hầu như không thể dùng ruộng đất của mình để vay vốn ngân hàng hoặc góp vốn hình thành các trang trại hay các hợp tác xã.

Chúng ta cần một tư duy mới về giáo dục bậc cao và nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đây là những lĩnh vực hoàn toàn có tính tư lợi. Sự phát triển của chúng luôn mang lại lợi ích cho các cá nhân đầu tư cũng như thụ hưởng. Nếu có những đổi mới phù hợp, học thuật Việt Nam có thể kỳ vọng sẽ có một nền giáo dục cao và nền khoa học, công nghệ phát triển. Điều duy nhất mà Nhà nước cần làm ở đây là tạo ra một hệ thống hỗ trợ để sao cho nền học thuật nước nhà được liên tục giao lưu, trao đổi các nền học thuật khác, để tri thức trong khu vực đại học được kết nối với tri thức khu vực nghiên cứu và kinh doanh.

Như vậy, chúng ta cần một tư duy mới về một hệ nguyên lý mới điều hành nền kinh tế phức tạp. Những vấn đề phát sinh cụ thể sẽ được trao đổi giữa những nhóm liên quan trong nền kinh tế để tìm ra giải pháp.

Ở đây, chúng ta bước sang lĩnh vực đổi mới tư duy chính trị. Chính trị giúp cho xã hội dung hoà các mục đích khác nhau trong những vấn đề phát sinh cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.

Tư duy chính trị mới đòi hỏi chúng ta tìm kiếm những lời giải đáp cho các vấn đề ngắn hạn phát sinh từ những xung đột lợi ích hàng ngày. Một tư duy chính trị hướng đến những vấn đề cứu cánh của loài người là không thực tế. Tư duy chính trị hướng đến các vấn đề dân sinh hàng ngày, đòi hỏi một bầu không khí trao đổi cởi mở giữa các bộ phận dân cư. Chỉ có lắng nghe những ý kiến khác nhau, Nhà nước mới có thể biết được những lợi ích khác nhau của mọi người, và mới có thể đưa ra được các giải pháp để dung hoà những lợi ích đó. Cần có cơ chế để những người đại diện cho nhóm lợi ích khác nhau có thể tham gia vào việc đề ra, thực hiện các giải pháp.

Đinh Tuấn Minh

(SGTT)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image