[SGTT - 05/01/2011 - Nguyễn Đức Thành]
SGTT.VN - Trong phiên họp cuối cùng của năm 2010 và thông điệp đầu năm
2011, Chính phủ và Thủ tướng xác định nhiệm vụ “trọng tâm” của năm 2011
là bình ổn kinh tế vĩ mô, đặt ưu tiên lên trên mục tiêu tăng trưởng kinh
tế. Đây là tín hiệu khá dứt khoát, rất đáng mừng, kết thúc cuộc tranh
luận kéo dài trong mấy năm gần đây về việc nên ưu tiên cho bình ổn vĩ mô
hay tăng trưởng kinh tế trong giới điều hành chính sách.
Chính
phủ xác định nhiệm vụ “trọng tâm” của năm 2011 là bình ổn kinh tế vĩ
mô, đặt ưu tiên lên trên mục tiêu tăng trưởng kinh tế.Ảnh: Lê Hồng Thái
Bất ổn vĩ mô thường được thể hiện qua tỷ lệ lạm phát
cao, dai dẳng và khó kiềm chế. Đi liền với hiện tượng này là sự mất cân
đối (thâm hụt) trong những cán cân vĩ mô lớn như cán cân thương mại quốc
tế, cán cân vãng lai, cân đối ngân sách của Chính phủ, v.v...
Bên cạnh đó, hậu quả của bất ổn vĩ mô là lãi suất tăng
cao (nhằm bù lại mức lạm phát cao, đồng thời bù đắp những bất trắc ẩn
chứa trong toàn nền kinh tế), tỷ giá chịu sức ép tăng liên tục vì đồng
nội tệ mất giá tương đối so với đồng ngoại tệ.
Ngoài ra, môi trường vĩ mô bất ổn còn khiến dòng vốn có
khuynh hướng rút lui khỏi khu vực sản xuất và hướng vào các tài sản
mang tính đầu cơ (như vàng, ngoại tệ, bất động sản, cổ phiếu, v.v...) để
giữ giá trị. Điều này thường gây nên những thương tổn lâu dài trong nền
kinh tế, vì nguồn lực bị định hướng một cách méo mó.
Cuối cùng, bất ổn vĩ mô mà biểu hiện là lạm phát sẽ bào
mòn thu nhập và những khoản tiết kiệm của người làm công ăn lương,
người nghèo, và khiến cuộc sống của họ trở nên dễ bị tổn thương hơn bao
giờ hết.
Để bình ổn vĩ mô một cách hữu hiệu, cần phải nhìn thẳng
vào những nguyên nhân gây bất ổn vĩ mô. Có hai nhóm gây bất ổn, từ bên
trong và từ bên ngoài nền kinh tế. Tuy nhiên, môi trường bên ngoài có
bản chất là hay thay đổi, nhất là trong môi trường toàn cầu hoá hiện
nay. Hơn nữa, Chính phủ của một nước nhỏ như Việt Nam hầu như không thể
tác động đến môi trường vĩ mô toàn cầu. Vì vậy, việc giữ ổn định vĩ mô
chủ yếu xuất phát từ việc khắc phục những nguyên nhân bên trong, nhằm
tạo lập những cân đối căn bản của nền kinh tế, đồng thời tạo ra chỗ dựa
vững chắc hay dư địa chính sách rộng mở để chống đỡ với sự biến thiên
của hoàn cảnh quốc tế.
Cam kết bình ổn kinh tế vĩ mô là việc làm quả cảm của một “thám hiểm gia” đang đứng trên phần nổi của một tảng băng chìm. |
Xét về nguyên nhân bên trong, cốt lõi của bất ổn vĩ mô
thường xuất phát từ nguồn gốc sâu xa là sự mất cân đối giữa tổng tiết
kiệm và tổng đầu tư của toàn bộ nền kinh tế. Nếu một nền kinh tế có tiết
kiệm quá ít, trong khi vẫn phải đáp ứng những nhu cầu đầu tư cho phát
triển, sẽ phải đối mặt với sự mất cân đối này (điển hình là các nước
châu Phi và Mỹ Latinh). Trái lại, khi một nền kinh tế có tiết kiệm cao,
nhưng lại đầu tư quá mức cần thiết, thì hậu quả cũng không kém phần
nghiêm trọng. Việt Nam thuộc các nhóm nước thứ hai.
Xét về tổng tiết kiệm, Việt Nam có tỷ lệ tiết kiệm cao
giống như các nước Á Đông truyền thống, khoảng 30% GDP. Nhưng đồng thời,
Việt Nam cũng dành một phần rất lớn, khoảng 40%, trong GDP để đầu tư.
Đó chính là nguyên nhân gây ra mất cân đối nghiêm trọng trong cán cân
tiết kiệm – đầu tư của đất nước. Kết quả là, nền kinh tế phải đối diện
với sự thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách cao trong nhiều năm.
Nguyên nhân của việc đầu tư chiếm tỷ trọng cao trong
GDP là vì chúng ta đã theo đuổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên mở
rộng đầu tư. Trong khi đó, đầu tư lại không có nhiều hiệu quả (thể hiện
là chỉ số ICOR tăng ngày càng cao). Kết quả là, để cùng đạt một mức tăng
trưởng như cũ, chúng ta phải đầu tư ngày càng nhiều hơn. Điều này thể
hiện rất rõ trong thập niên vừa qua.
Do đó, có thể nói chính mô hình tăng trưởng dựa vào mở
rộng đầu tư về lượng đã tích luỹ những bất ổn vĩ mô trong thời gian qua.
Vì vậy, không hề sai khi Chính phủ thể hiện quyết tâm vừa bình ổn kinh
tế vĩ mô, vừa thay đổi mô hình tăng trưởng. Hai việc này có cùng một mối
liên hệ chặt chẽ, không tách rời trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện
nay.
Tiếp tục mổ xẻ một bước sâu hơn nữa, chúng ta lại thấy
rằng tỷ trọng đầu tư lớn của Việt Nam chủ yếu được thực hiện thông qua
khu vực kinh tế nhà nước. “Khu vực kinh tế nhà nước” có thể hiểu là
những tham gia của Nhà nước trên khía cạnh kinh tế, thông qua ngân sách
nhà nước và qua hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Gần đây, đầu tư từ khu
vực kinh tế nhà nước chiếm khoảng một nửa đầu tư toàn xã hội.
Vì thế, để đạt được bình ổn vĩ mô và đồng thời thay đổi
mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên mở rộng đầu tư về lượng, Chính phủ
có trách nhiệm, và có lợi thế, trong việc tập trung năng lực vào việc
kiềm chế chi tiêu ngân sách nói chung, và chi đầu tư nói riêng trong khu
vực công và trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Việc kiềm chế một cách
hiệu quả không chỉ đơn thuần là rà soát các dự án, mà cần một thay đổi
thực sự về tư duy trong vai trò kinh tế của Nhà nước. Cần phải thu hẹp
khu vực quốc doanh vào một số lĩnh vực hữu hạn, mở rộng biên độ cho khu
vực doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, cắt giảm những dự án đầu tư khổng
lồ mà hiệu quả lan toả ra toàn nền kinh tế chưa được thừa nhận rõ ràng.
Thêm vào đó, còn một loạt các vấn đề còn tồn đọng trong
nền kinh tế của chúng ta, như năng suất thấp, tính sáng tạo ít, thiếu
lao động trình độ cao, khu vực tư nhân chưa phát triển xứng tầm, chính
sách tỷ giá chưa hỗ trợ sản xuất trong nước, v.v... Khi những khía cạnh
này của nền kinh tế chưa được cải thiện, chúng ta buộc phải dựa vào mở
rộng đầu tư về lượng để đạt mức tăng trưởng trong ngắn hạn. Đó là vòng
xoáy mà chúng ta đang quyết tâm vượt ra.
Cam kết bình ổn kinh tế vĩ mô là việc làm quả cảm của
một “thám hiểm gia” đang đứng trên phần nổi của một tảng băng chìm. Và
Chính phủ sẽ phải đi suốt chiều sâu của tảng băng đó, với những nỗ lực
to lớn trên một con đường dài.
TS Nguyễn Đức Thành,
Giám đốc trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)
(SGTT.VN)
|