Chủ Nhật, 24/11/2024 09:09

Chuyển hóa tài nguyên thành công nghệ, vốn và đào tạo nguồn nhân lực

10:07:06 12/03/2013
[daibieunhandan.vn - 12/11/2010 - Nguyễn Đức Thành] Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Đức Thành cho rằng, khi nền kinh tế có tiềm năng, có công nghệ cao thì tài nguyên là một lợi thế.

[daibieunhandan.vn - 12/11/2010 - Nguyễn Đức Thành]

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Đức Thành cho rằng, khi nền kinh tế có tiềm năng, có công nghệ cao thì tài nguyên là một lợi thế.

Trong trường hợp chưa có công nghệ, phải có chính sách rõ ràng đối với việc sử dụng các nguồn lực tài nguyên và phải cam kết chặt chẽ trong việc chuyển hóa tài nguyên thành công nghệ, vốn và đào tạo nguồn nhân lực. 

- Một số ý kiến cho rằng, với tốc độ khai thác tài nguyên như của chúng ta hiện nay sẽ có thể dẫn tới những hệ lụy, có phải không, thưa Giám đốc?

- Tăng trưởng kinh tế dựa trên khai thác tài nguyên là cách của một số nền kinh tế ban đầu, nhỏ và yếu, chưa có năng lực sản xuất. Khi chúng ta có tiềm năng, thì tài nguyên là một lợi thế. Lịch sử đã chứng minh những nền kinh tế nào không trong chuyển dịch những nguồn lợi từ khai thác tài nguyên thành phát triển công nghệ, phát triển tri thức thì sẽ không thể phát triển.

- Trong thời gian tới vấn đề này phải được giải quyết thế nào, thưa Ông?

- Có nhiều quốc gia đã thành công trong việc giải quyết vấn đề này. Ví dụ như Malaysia, ban đầu cũng khai thác tài nguyên thô là dầu mỏ. Nhưng, tài nguyên chỉ là tạm thời. Vì thế trong quỹ của quốc gia thu được từ dầu khí những năm 60, 70 của nước này dành một phần rất lớn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Và đến nay họ đã thành công. Malaysia trong khu vực Đông Nam Á là một trong những quốc gia dẫn đầu về công nghệ. Đây là một bài học đơn giản mà chúng ta có thể nhìn thấy. Chúng ta có thể tiếp tục khai thác tài nguyên trong trường hợp chưa có công nghệ, nhưng buộc phải có những chính sách rất rõ ràng trong việc sử dụng các nguồn lực tài nguyên đó, có cam kết chặt chẽ trong việc chuyển hóa nó thành công nghệ và vốn con người.

- Hiện nay việc khai thác nguồn tài nguyên quốc gia chỉ giao cho một số tập đoàn nhà nước. Nhưng, khai thác thế nào cho hiệu quả, hợp lý và bền vững là bài toán không đơn giản?


- Một lượng tài nguyên khổng lồ được một số rất ít các tập đoàn nhà nước khai thác dẫn đến 2 hậu quả. Thứ nhất là tạo nên sự độc quyền. Khi độc quyền thì tự nó sẽ tích tụ nguồn lực tài chính, cũng như nguồn lực chính trị và tự họ có khả năng thao túng chính sách trong lĩnh vực đó. Điểm thứ hai, khi độc quyền thì các tín hiệu của thị trường sẽ biến mất và việc đánh giá về những tập đoàn trở nên rất khó khăn. Đó là hậu quả của độc quyền. Tuy nhiên với lĩnh vực tài nguyên chúng ta cũng phải thừa nhận rằng nếu có sự phân cấp hay tự do hóa quá nhanh sẽ gây ra sự phát triển manh mún và không kiểm soát.

- Vậy, việc quản lý giám sát sẽ phải đặt ra như thế nào, thưa Giám đốc?

- Bản thân việc giám sát không phải chỉ là ý chí và mong muốn giám sát là được, mà phải tạo ra cơ chế để việc giám sát không bị tê liệt và hiệu quả. Do chúng ta vẫn còn giữ tư duy cũ, tư duy mệnh lệnh nên cho rằng càng tập trung vào ít đơn vị đầu mối thì càng dễ kiểm soát nhưng thị trường không đơn giản như vậy và sự tiến hóa của xã hội không đơn giản như vậy. Bản thân đơn vị độc quyền có thể thao túng về chính sách và nó kiểm soát ngược lại việc kiểm soát nó. Chính vì thế mà chúng ta phải giảm độc quyền, phải đưa sự cạnh tranh vào đây, cạnh tranh lành mạnh và có kiểm soát.

- Xin cám ơn Giám đốc!

Tiến Đức thực hiện

(daibieunhandan.vn)

 

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image