Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Bảy, 23/11/2024 05:31

Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014

14:48:00 02/06/2014

Sáng ngày 29/05/2014, tại Khách sạn Sofitel Plaza Hanoi, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB - VNU), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tại Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 Những ràng buộc đối với tăng trưởng.

Download tài liệu Hội thảo tiếng Việt tại ĐÂY, tiếng Anh tại ĐÂY

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo và đại diện nhiều cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách như Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội đồng lý luận Trung ương; Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia; các Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao; các Tổ chức quốc tế như WB, IMF, UNDP; các Đại sứ quán; các viện nghiên cứu và trường đại học; lãnh đạo doanh nghiệp cùng đại diện các hội, hiệp hội, ngân hàng; các nhà lãnh đạo và khoa học lão thành.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Báo cáo năm nay được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua thêm một năm khó khăn của nền kinh tế khi một số cải cách mới chỉ bắt đầu được thực hiện, sau nhiều năm do dự, trì hoãn trong điều kiện tăng trưởng kinh tế suy giảm, bất ổn vĩ mô tăng cao và hiệu quả nền kinh tế đi xuống. Mặc dù đầu năm 2014, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp thể hiện mong muốn và quyết tâm của Chính phủ trong việc khôi phục lại đà tăng trưởng của nền kinh tế, tuy nhiên việc thực thi những cải cách mạnh mẽ vẫn còn là một câu hỏi lớn. Bên cạnh đó, sự xâm phạm chủ quyền quốc gia trên biển Đông của Trung Quốc cũng khiến Việt Nam phải xem xét lại vấn đề về mô hình phát triển và chiến lược hợp tác trong khu vực và quốc tế. Có thể nói, những khó khăn liên tiếp trong môi trường quốc tế và nội bộ nền kinh tế đã đặt ra nhu cầu cần nhận định rõ sức chịu đựng của nền kinh tế, đồng thời xác định những ràng buộc đối với tăng trưởng nhằm có được những cải cách đúng hướng hơn.

Khai mạc buổi hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQGHN đã giới thiệu chương trình nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, đồng thời đánh giá cao chuỗi ấn phẩm Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam do nhóm nghiên cứu thực hiện. Tiếp đó, bà Nadia Krivetz, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Australia tại Hà Nội phát biểu về sự hợp tác và tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cho bộ sản phẩm “Đánh giá độc lập về kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, mà Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là một sản phẩm trong đó, trong 3 năm tới, từ năm 2014 đến năm 2016. Theo bà Nadia Krivetz, “Hỗ trợ cho việc thực hiện Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là một phần trong chương trình hợp tác của chúng tôi với Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam nhằm hướng tới việc tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế. Australia mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong giải quyết các thách thức gặp phải trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đồng thời tránh được vấn đề bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia khác đã gặp phải”.

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia HN phát biểu khai mạc Hội thảo

Bà Nadia Krivetz, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Australia phát biểu về sự hợp tác và tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia

Ngay sau phần khai mạc, hội thảo đã diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Trong phiên đầu tiên, TS. Nguyễn Đức Thành, chủ biên cuốn Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014, đại diện cho nhóm tác giả đã trình bày tóm lược nội dung Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014. Giống như các năm trước, Báo cáo năm nay vẫn gồm 7 chương và 2 phụ lục. Nội dung của Báo cáo, ngoài hai chương đánh giá và nhận định về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2013, được dành để phân tích về những vấn đề chuyên sâu về những ràng buộc đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, dựa trên phương pháp chẩn đoán tăng trưởng. Từ những ràng buộc chính được phát hiện, Báo cáo tập trung phân tích sâu một số ràng buộc chính đối với nền kinh tế, bao gồm khía cạnh tài chính được tiếp cận thông qua việc đánh giá hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bằng bộ chỉ số lành mạnh tài chính (FSIs); những thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sắp tới; ràng buộc về mặt năng lượng thông qua sự lựa chọn chính sách năng lượng của Việt Nam. Cuối cùng, Báo cáo đưa ra những nhận định chung về viễn cảnh kinh tế năm 2014 và gợi ý các nhóm chính sách phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế đi liền với sự ổn định kinh tế vĩ mô. Dựa trên bối cảnh kinh tế Việt Nam trong năm 2013 và gần nửa đầu năm 2014, đặc biệt là những vấn đề căng thẳng với Trung Quốc trong thời gian gần đây, nhóm nghiên cứu đưa ra hai viễn cảnh kinh tế tương đối khiêm tốn cho nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, ở kịch bản đầu tiên, nền kinh tế chỉ tăng trưởng ở mức 4,15%, lạm phát ở mức thấp 4,76%. Kịch bản thứ hai có sự cải thiện hơn một chút, khi nền kinh tế tăng trưởng ở mức 4,88%, và lạm phát mặc dù có cao hơn một chút nhưng vẫn chỉ ở mức 5,51%.

TS. Nguyễn Đức Thành thay mặt cho nhóm tác giả trình bày những nội dung chính của Báo cáo

Sau phần trình bày của TS. Nguyễn Đức Thành, ba chuyên gia phản biện chính, bao gồm TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Trung ương, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy bản Giám sát Tài chính Quốc gia, và TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Trung ương, đã đưa ra những nhận định về chất lượng chuyên môn của Báo cáo năm nay. Nhìn chung, cả ba phản biện đều đánh giá cao về việc chọn chủ đề năm nay của nhóm tác giả, khi nối tiếp được nội dung của các Báo cáo trong các năm trước, đồng thời phát hiện và phân tích sâu về những vấn đề hết sức cấp thiết trong nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, cùng với đó, các phản biện cũng đưa ra một số góp ý riêng để Báo cáo có thể tiếp tục hoàn thiện hơn. Cụ thể, TS. Lê Đăng Doanh đề xuất rằng nên phân tích thêm yếu tố các công ty nước ngoài thâu tóm, sáp nhập các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như những vấn đề về thị trường chứng khoán trong những năm gần đây. TS. Vũ Viết Ngoạn thì đề xuất rằng nhóm nghiên cứu cần hết sức thận trọng với việc sử dụng các chỉ số lành mạnh tài chính trong điều kiện các số liệu của hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa thật sự đầy đủ, minh bạch và theo chuẩn quốc tế. TS. Võ Trí Thành thì đưa ra ý kiến cần đơn giản hóa mô hình chẩn đoán tăng trưởng được nhóm nghiên cứu áp dụng trong Báo cáo.

TS. Lê Đăng Doanh đề xuất Báo cáo năm nay nên phân tích những vấn đề của thị trường chứng khoán

Trong phần thảo luận giữa nhóm tác giả và các đại biểu tham dự, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng những viễn cảnh kinh tế tương đối khiêm tốn, cụ thể là hai kịch bản tăng trưởng và lạm phát, mà nhóm nghiên cứu đưa ra thực sự chưa thuyết phục, khi nhóm nghiên cứu đồng thời cũng có những nhận định rằng nền kinh tế đang trên đà phục hồi từ Quý III/2013. Trả lời cho vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành giải thích rằng sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam được thể hiện từ những thông số vĩ mô trong nội bộ nền kinh tế, ví dụ như chỉ số sản xuất công nghiệp IPI, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI, chỉ số VN-Index… Tuy nhiên, việc nhóm nghiên cứu đưa ra dự báo tăng trưởng thấp cho nền kinh tế lại dựa vào những cú sốc bên ngoài, mà cụ thể là tình hình căng thẳng trên biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian gần đây. Với những căng thẳng về mặt chính trị có thể ảnh hưởng đến thương mại giữa hai nước, mức tăng trưởng của Việt Nam có thể mất đi một điểm phần trăm và sẽ không đạt được những mục tiêu tăng trưởng được đưa ra từ đầu năm.

Nhóm tác giả Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014

Nhìn chung, các kết quả nghiên cứu được công bố đều thu hút sự chú ý của dư luận, được giới chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao. Sau hội thảo công bố, bản thảo Báo cáo sẽ được nhóm tác giả hoàn thiện và xuất bản dưới dạng sách bằng tiếng Việt gồm hơn 300 trang, dự kiến ra mắt vào tháng 7 năm 2014. Báo cáo bằng tiếng Anh dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng 9 và phát hành trên thị trường quốc tế.

Hội thảo trên các phương tiện thông tin đại chúng

Thời sự 19h VTV1 đưa tin Hội thảo

Thông tấn xã Việt Nam đưa tin BCTN KTVN 2014

Chinese rig tensions risky for Vietnam's economy (upi.com)

Việt Nam chịu đựng được đến đâu? (vietnamnet.vn)

Có quyết liệt đổi mới được không? (thoibaonganhang.vn)

Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam (vtv.vn)

VEPR: Gốc rễ phục hồi kinh tế chưa vững chắc (vnexpress.net)

GDP Việt Nam năm nay sẽ giảm mạnh? (vov.vn)

Phải có nội lực mạnh để độc lập và phát triển (tuoitre.vn)

Công bố BCTN Kinh tế Việt Nam 2014: Những ràng buộc đối với tăng trưởng (daibieunhandan.vn)

Tránh phụ thuộc vào TQ, VN cần chọn đối tác kinh tế chiến lược nào? (giaoduc.net)

Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam (dddn.com.vn)

Tăng trưởng của nền kinh tế bị vướng 7 ràng buộc (vov.vn)

Thoát khỏi phụ thuộc vào Trung Quốc: Hoàn toàn khả thi! (dantri.com.vn)

"Năm 2014, tăng trưởng GDP có thể chỉ ở mức 4,15-4,88% (bizlive.vn)

Việt Nam cần giảm phụ thuộc giao thương vào Trung Quốc (dantri.com)

Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 (dangcongsan.vn)

Những hình ảnh đẹp của Hội thảo

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image